Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong rau ngót có 5,3% protid; 3,4% glucid; 2,4% tro, trong đó chủ yếu là canxi (169mg%), photpho (64,5%), vitamin C (185mg%). Trong rau cũng có nhiều axit amin cần thiết, trong 100g rau ngót có 0,16g lysin; 0,13g metionin; 0,05g tryp – tophan; 0,25g phenylalalin; 0,34g treonin; 0,17g valin; 0,24g leuxin và 0,17g izoleucin…
Theo Đông y, rau ngót tính mát lạnh (nấu chín sẽ bớt lạnh), vị ngọt. Có công năng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, hoạt huyết hoá ứ, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ, có nhiều tác dụng chữa bệnh.
Thanh nhiệt, hạ sốt: Rau ngót được dùng để thanh nhiệt, hạ sốt, trị ho do phế nhiệt. Dùng lá rau ngót tươi dưới dạng nước ép lá hoặc nấu canh rau ngót.
Rau ngót nấu hến: Vừa có vị ngọt đậm đà, vừa thanh nhiệt. Sự phối hợp này lạnh, nên cho thêm lát gừng hoặc nên kiêng với người hư hàn.
Trị cúm gây ho suyễn: Rau ngót vị mát, có tính thanh nhiệt, lại chứa chất ephedrin, rất tốt cho những người bị cúm gây ho suyễn.
Rau ngót nấu thịt lợn giúp giảm cân: Rau này có khả năng sinh nhiệt thấp, ít glucid và lipid nhưng nhiều protein; do đó rất phù hợp với thực đơn người muốn giảm cân do béo phì, bệnh tim mạch và đái tháo đường. Nên nấu canh rau ngót với thịt lợn nạc, đậu hũ.
Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Rau ngót có inulin giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường chậm (đường và cơm là đường nhanh). Mặt khác, khả năng sinh nhiệt của inulin chỉ bằng 1/9 của chất béo.
Trị táo bón, bổ âm sau sinh: Rau ngót bổ âm, sinh tân dịch, nhiều chất xơ nên ngăn ngừa được táo bón. Phụ nữ sau sinh nên dùng rau ngót để vừa bổ âm, sinh tân dịch, bù lại âm và tân dịch mất cùng máu khi sinh.
Tăng lượng sữa cho phụ nữ sau sinh: Hiện nay, lá rau ngót chiết xuất đã được sử dụng như là một thành phần củng cố trong các thực phẩm chức năng dành cho bà mẹ cho con bú. Điều này là do bắt nguồn từ những tác động nội tiết của các hợp chất hoá học sterols có tính chất estrogen.
Trị sót rau sau đẻ, sau nạo hút thai: Cho sản phụ uống một bát nước rau ngót tươi. Hoặc dùng một nắm lá rau ngót rửa sạch, giã nhuyễn và cho vào một ít nước đun sôi để nguội, vắt lấy chừng 100ml. Chia làm 2 phần để uống hai lần (mỗi lần cách nhau 10 phút); sau chừng 15 – 30 phút, rau sẽ ra hết và sản phụ hết đau bụng. Để chữa sót rau, có người còn dùng rau ngót giã nhuyễn rồi đắp vào gan bàn chân, song cần lưu ý là khi rau đã hết thì cần tháo miếng băng thuốc ra ngay.
Bồi dưỡng sau đẻ: Rau ngót nấu canh với thịt lợn nạc hoặc giò sống. Có nơi hay nấu canh rau ngót với trứng tôm, trứng cáy, cá rô, cá quả…
Chữa cốt thống (nhức trong xương, không phải sưng đau khớp): Nấu rau ngót với xương lợn.
Chảy máu cam: Giã rau ngót thêm nước, ít đường để uống, bã gói vào vải đặt lên mũi.