Theo sách Tuệ Tĩnh, rau muống (ung thái) vị ngọt tình hàn không độc, giải các chất độc, sinh da thịt, giúp cho sản phụ dễ đẻ, tiêu thủy thũng”. Tính thành phần dinh dưỡng trong 100g trong rau muống có protein 2,7g, glucid 5,6g, lipid 0,4g, tro 1,3g, canxi 60mg, photpho 42mg, sắt 2,5mg, kali 16mg, vitamin, đều là hoạt chất rất tốt với sức khỏe.
Xét về thành phần dinh dưỡng nếu ăn rau muống rất tốt, ngăn ngừa loãng xương, thiếu máu thiếu sắt. Rau muống tím chứa một chất gần giống như insulin nên người bị tiểu đường sử dụng rất tốt. Sau đây là một số món ăn, vị thuốc đơn giản hiệu nghiệm từ rau muống.
- Chữa tiều đường: Rau muống đỏ 60g sắc nước uống nhiều ngày.
- Chữa uống nhầm phải thuốc hoặc ăn phải thức ăn có độc: Rau muống rửa sạch giã vắt nước cho uống. Sản phụ khi sinh lấy một nắm rau muống tươi giã vắt lấy nước cốt pha ít rượu uống cho dễ sinh.
- Chữa quai bị: Rau muống 200 - 400g luộc kỹ, ăn cả rau lẫn nước. Có thể pha thêm chanh vào nước rau.
- Chữa chứng lở miệng: Rau muống tươi 100g, củ hành lá 50g, nấu canh, nêm muối vừa ăn.
- Lở ngứa, loét ngoài da, zona (giời leo): Ngọn rau muống và lá cây vòi voi rửa thật sạch với ít nước muối, giã nhuyễn đắp lên vết thương.
- Chữa rôm sẩy, mẩn ngứa, sởi, thủy đậu ở trẻ em: Dùng nước nấu rau muống xoa, rửa, tắm.
Lưu ý, khi vết thương đang lên da non không dùng rau muống vì dễ sinh sẹo lồi. Người có bệnh, đang uống thuốc Đông y nếu ăn rau muống sẽ làm giã thuốc, nhất là khi trong thuốc có vị độc cần thiết để chữa bệnh (độc trị độc) sẽ làm giảm hiệu quả điều trị. Rau muống chứa nhiều canxi không nên ăn nhiều ngày với trường hợp bị sỏi thận dễ gây tăng sỏi.
Lương y Nguyễn Văn Phúc (Phòng khám Đa khoa Thiên Nam)