Thân và lá rau dền có vị ngọt, chứa sắt, vitamin B2, vitamin C, axit nicotic và canxi (dền gai có hàm lượng canxi tối đa đến 0,2%). Còn giàu tinh bột, đạm. Thành phần trung bình có trong 100g lá tươi rau dền là: 86,9g nước; 3,5g protein (chất đạm); 0,5 lipit (chất béo); 6,5g gluxit (tinh bột) ; 1,3g chất xơ; 67mg phốt pho; 3,9g sắt; 411mg kali; 6100i.u vitamin A; 0,16mg vitamin B2; 1,4mg Niacin; 80mg vitamin C; 0,80mg vitamin B1; 267mg Canxi; 2,6g khoáng chất; 36g calo.
Y học cổ tuyền phương Đông còn sử dụng dền để làm thuốc. Ở Việt Nam, dền đỏ được dùng trong các bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, sát trùng, trị độc… dền cơm dùng trong các bài thuốc chữa táo bón, nhức đầu, chóng mặt… dền gai là một vị thuốc trị rết căn, ong đốt, mụn nhọt, lị…
Ho có đờm: Dùng thân, lá cây rau dền gai 50g, cam thảo đất 16g, lá bồng bồng 20g, kim ngân hoa 20g. Rửa sạch tất cả các vị thuốc, cho vào ấm đổ 500ml nước sắc còn 250ml, chia 2 - 3 lần. Dùng liền 5 ngày. Hoặc dùng thân, lá cây rau dền gai 50g, cam thảo đất 16g, lá húng chanh 16g, vỏ rễ dâu tằm 16g. Rửa sạch tất cả các vị thuốc, cho vào ấm đổ 500ml nước sắc còn 250ml, chia 2 - 3 lần. Dùng liền 5 ngày.
Viêm họng, đau họng: Thân, lá cây rau dền gai, lượng vừa đủ, thêm một ít muối hạt, 1 - 3 lát gừng tươi. Tất cả nhai nát, nuốt nước dần. Ngày nhai, ngậm 1 - 2 lần đến khi đỡ đau họng.
Sỏi thận: Rễ rau dền gai (sao vàng), vỏ quả bí đao 20g, kim tiền thảo, mã đề, rễ thiên lý, rễ cỏ tranh, đậu đen (sao thơm) mỗi thứ 12g. Rửa sạch tất cả các vị thuốc, cho vào ấm đổ 500ml nước sắc còn 250ml, chia 2 - 3 lần. Dùng 10 ngày một liệu trình.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)