Rau đay tốt cho người đột quỵ.
½ bệnh nhân đột quỵ não chết vì biến chứng
TS Nguyễn Văn Tuấn, Bộ môn thần kinh Học viện quân Y cho biết, bệnh nhân sau đột quỵ não gặp rất nhiều các biến chứng: tắc mạch, rối loạn nuốt, co giật, chảy máu đường tiêu hóa, loét do tỳ đè…và đặc biệt là khổ sở vì táo bón và viêm đường tiết niệu. Các biến chứng này không hề đơn giản, nó có thể khiến ½ số bệnh nhân không chết vì bệnh mà tử vong là do liên quan đến biến chứng.
Chẳng hạn, sau khi bị đột quỵ não, bệnh nhân thường ít rời khỏi giường bệnh nên đi tiểu không hết, vẫn còn đọng nước tiểu trong bàng quang. Một số bệnh nhân khác thì bí đái, do vậy phải đặt xông tiểu, đặc biệt trong những ngày đầu và tuần đầu sau đột quỵ não.
Chính vì vậy, sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu liên quan đến đặt xông tiểu. Nhiễm trùng đường tiết niệu là một biến chứng của đột quỵ não, gặp ở 11% số bệnh nhân trong vòng 3 tháng đầu sau bị đột quỵ não.
Tương tự, BS Cao Hồng Phúc, bệnh viện 103 cho biết, người sau đột qụy thường mắc phải một chứng bệnh vô cùng phiền phức đó là táo bón. Tình trạng táo bón này càng lúc càng nặng. Đó là vì cơ thể người đột qụy rất yếu. Họ lại thường bị bại yếu nằm một chỗ, kém vận động và nằm nhiều. Sự thể này gây ra yếu trương lực hệ tiêu hóa, giảm nhu động ruột và gây ra táo bón kinh niên.
Biến chứng của táo bón rất nghiêm trọng không chỉ gây đi ngoài ra máu, nứt kẽ hậu môn, đau bụng…mà còn gây stress khiến bệnh nhân bực bội, khó chịu, ăn kém, ngủ kém, sức khỏe sa sút… hay đổi tâm lý, stress (bệnh nhân cảm thấy bực bội, khó chịu, ăn uống không ngon, ngủ kém gây mệt mỏi,.. khiến sức khỏe bệnh nhân sa sút), bị trĩ, rò hậu môn và có thể mất mạng do suy kiện – ngộ độc mạn tính, tắc ruột… do phân đọng lâu ngày.
Rau đay bổ sung muối khoáng, vitamin và dược chất trị bệnh
BS Cao Hồng Phúc nhấn mạnh, rau đay là loại rau vô cùng có lợi cho bệnh nhân đột quỵ não, đặc biệt trong việc khắc phục tình trạng đại tiểu tiện không thông. Theo Y học cổ truyền, rau đay là loại rau có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tẩm bổ, giải nhiệt, lợi tiêu hóa, nhuận tràng, lợi tiểu, lợi hô hấp, tiêu đờm, kháng viêm, cầm máu, lợi sữa và an thai. Do đó, rau đay thường được dùng để chữa: chữa trúng nắng, phòng ngừa say nắng, trị táo bón, bí tiểu, tiểu buốt, tiểu rát, tiểu ra máu…
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong 100g rau đay có tới gần 92g nước, có nhiều muối khoáng và vitamin như: canxi 498mg%, photpho 93mg%, sắt 3,8mg%, kali 650mg%, axit oxalic 870mg%, vitamin B1 0,24mg%, vitamin B2 0,76mg%, vitamin C 168mg%, vitamin A 7,940 đơn vị…
Nó là loại rau có nhiều giá trị thực phẩm – thuốc. Phân tích hóa chất trong lá rau người ta thấy có nhiều chất flavonoid, saponin, tannin, steroid, triterpen. Đặc biệt, trong số các hóa chất tìm được người ta thấy có hai chất mang hoạt tính chức năng mạnh là phytol và monogalactosyldiacylglycerol (chống khối u).
Ở phần ngọn non có rất nhiều polysaccharid và lignin (đây là các chất mang hoạt tính estrogen thực vật). Trong phần ngọn người ta cũng tìm thấy một số chất đường glucose, fructose, sucrose và 2 chất inositol (đây là các chất giúp nhuận tràng); chất capsin có tác dụng tương tự như với các glycosid cường tim, lợi sữa và lợi tiểu).
Trong chất nhầy của rau đay người ta tìm thấy rất nhiều acid hữu cơ như: coumaric, ferulic, vanillic, hydroxybenzoic (những hoạt chất có tác dụng kháng viêm)…
Vì vậy, theo BS Cao Hồng Phúc, để khắc phục táo bón, viêm tiết niệu sau đột quỵ không có rau gì tốt hơn rau đay. Một ngày ăn chừng 300-400g rau đay (tốt nhất nên làm món canh nấu) như thế vừa bổ sung nước, vừa bổ sung rau đay vào chế độ ăn sẽ giảm táo bón.
Lý do rau đay chống táo bón là bởi rau có nhiều nhớt. Thứ nhớt này là một tổ hợp chất sinh học giúp kích thích ruột vận động. Đồng thời chúng còn có tác dụng làm mềm phân, giảm độ táo cứng.
Với những người tiểu bí, tiểu đau, tiểu rát…nên ăn 200 – 300g rau đay, nấu ăn liên tục 2 lần/ngày và liên tục trong 20 – 30 ngày, bệnh sẽ thấy khả quan. Lý do rau đay thân thiện với hệ tiết niệu là bởi rau đay có hoạt chất vận động tim mạch nên có tác dụng làm tăng số lượng nước tiểu, lại có tác dụng kháng viêm nên giải viêm nhiễm đường niệu, lại có tác dụng tiêu thũng nên nước tiểu sẽ dễ dàng ra ngoài.
Nhật Hà