<div> <p><strong>Tiễn biệt trong tiếng nổ </strong></p> <p>Khi thắng trận thì quay súng lên trời và nhả hết băng đạn. Khi đồng đội qua đời thì tiễn biệt bằng một loạt đạn tiếc thương sau khi đã lấp đất và đánh dấu bằng vài hòn đá. Người lính ở quốc gia nào cũng giống nhau ở điều này. Tôi nghĩ ngợi trong đầu, còn ánh mắt thì chăm chú nhìn một người lính trẻ trên tay đang cầm khẩu súng phá sóng, mắt luôn dõi lên bầu trời khu vực tìm kiếm 13 người mất tích, trong đó có 11 quân nhân, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh quân khu 4 cùng 7 sĩ quan cấp tá, 4 sĩ quan cấp úy.</p> <p>Việc tìm kiếm diễn ra trong hai ngày 14 và 15/10, còn ngày 16 thì có khả năng phải dừng lại, vì dự báo sẽ có mưa to. Thời điểm này, tại vị trí cách Trạm kiểm lâm 67 khoảng 11 km cũng đang diễn ra việc gấp rút tìm kiếm 16 công nhân mất tích trong đống đổ nát ở Thủy điện Rào Trăng 3. Lực lượng đi cứu người đã hy sinh, bên bị mắc kẹt là 17 công nhân thủy điện có lẽ đến giờ này cũng không ai còn sống</p> <p>Câu chuyện tôi đang kể là sáng ngày 15/10, khi “cơ số thời gian” nằm trong tay viên tướng quân đội chỉ huy tại hiện trường xem như đã hết hơn một nửa mà kết quả chưa tìm được một người nào.</p> <p>Sáng sớm ngày 15/10, lần thứ hai quay lại hiện trường Trạm kiểm lâm 67, tôi chợt giật mình khi thấy mọi người đã bị lừa mị bởi khung cảnh bãi bùn có vẻ khác ngày hôm trước. Toàn bộ đống bùn đất rộng khoảng 5.000 m<sup>2</sup> của ngày hôm trước có chiều dày từ 1 đến 2 mét hóa ra là một “chiếc mụn” phồng rộp đang căng lên hết cỡ. Bằng chứng là khi đi vào bãi bùn thì ai cũng phải đặt chân lên một thân cây, hoặc hòn đá to lát sẵn, nếu không muốn bị lún sâu trong thứ đất nhão lún tới đầu gối, hoặc sâu hơn nữa.</p> <p>Còn đến ngày hôm sau, bãi đất giống như chiếc mụn đã xẹp dần. Khắp bãi bùn nhô lên hàng trăm phiến đá, trong đó có những hòn nặng hơn 10 tấn, cao quá đầu người. Viên đá nặng chừng 5-6 tấn nằm ngay lối vào được anh em lính đặt thêm một lọ hương, một chiếc đĩa với cục lương khô K17 trong túi nilon xanh.</p> <p>Lệnh “cấm quay phim, chụp hình, trừ một số ít phóng viên được cho phép” cứ liên tục được phát trên loa. Vì vậy mới có việc người lính canh cả những chiếc flycam có thể xâm nhập từ phía núi. Nhưng chụp những phiến đá thì có tội tình chi. Vậy là tôi vẫn chụp. Chụp để “ráp nối” với câu chuyện của những nhân chứng thoát chết trong đêm 12 rạng ngày 13/10. Đó là lúc nửa đêm thì có một tiếng “ầm” thật lớn, một lát sau thì thêm tiếng nổ lớn hơn. Tướng Man và những binh sĩ dưới quyền của ông đã ra đi sau tiếng nổ. Tiếng nổ và sự tàn phá kinh hoàng, có thể là những hòn đá hàng chục tấn từ đỉnh núi đã lao xuống, tạo sức cuốn như một quả bộc phá.</p> <p><strong>Vùng “chiến địa” </strong></p> <p>Chiều ngày 15/10, trời chợt đổ mưa, khiến dòng suối nằm bên cạnh càng thêm ngập nước. Chiếc xe xúc Kobelco in logo của Công ty CP 484 Cienco 4 lộc cộc tiếp tục bò vào hiện trường, giống như tăng thêm một cỗ pháo lớn, vì quỹ thời gian quý giá đang co hẹp lại dần. Người đàn ông mặc chiếc áo xanh đen, liên tục chỉ đạo “thêm xe, 2 bánh xích, 2 bánh lốp”, đó là Thứ trưởng Bộ giao thông Vận tải Lê Đình Thọ. Hàng trăm người lính ở ngoài bãi bùn, mỗi người 1 chiếc xẻng. Đi sau là những phương tiện cơ giới.</p> <p>Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có mặt tại Ban chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở UBND xã Phong Xuân để đốc thúc, chỉ đạo ngay từ đầu. Phương châm đưa ra là phải tổ chức gấp rút tìm kiếm, vì sang đến ngày 16/10 sẽ có mưa rất lớn.</p> <p>Việc tìm kiếm tại Trạm kiểm lâm 67 có thể sử dụng xe cơ giới. Còn cách đó 11 km, việc tìm kiếm 15 công nhân mất tích ở khu vực nhà điều hành thủy điện Sông Trăng 3 lại càng gặp nhiều khó khăn hơn, do khối lượng đất đá sạt núi quá lớn, địa hình nằm trên một khu đồi dốc.</p> <p>Cánh phóng viên phàn nàn về việc không được tiếp cận hiện trường để đưa tin theo nhiệm vụ được tòa soạn giao, một số anh em phải rẽ qua đi đường thủy để đưa tin tìm kiếm 15 công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3. Tuy nhiên, khi đến Trạm kiểm lâm 67 thì mới hiểu, những người lính xem bãi bùn khổng lồ là một vùng “chiến địa”. Anten parapol được lắp đặt, truyền trực tiếp hình ảnh về trụ sở Bộ Quốc phòng ở Hà Nội. Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng theo dõi và chỉ đạo. Những vị chỉ huy này có thể không muốn bị phân tâm bởi nhiều luồng thông tin khác nhau nhằm đẩy nhanh thời gian tìm kiếm.</p> <div> <div class="article-photo inlinephoto"><img alt="RÀO TRĂNG - người đi, mũ để lại - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/10/18/image-tienphong-vn_4b_dxlb.jpg" /><span class="fig">Những tảng đá nặng trên 10 tấn thế này đã tàn phá mọi thứ trước khi lăn ra tới bờ suối </span></div> Cả ngày nhai lương khô với lính tráng. Ba chú chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 (Bộ Tư lệnh Biên phòng) sau 2 ngày tìm kiếm cũng bắt đầu chớm vẻ sụt sùi trong mưa đổ. Thỉnh thoảng, một cán bộ huấn luyện lại chạy về thùng xe mang ra cho 3 chú chó một túm cám. Con chó Tôm Ba nằm phủ phục ngay bên lối đi. Con Ô Ra Tơ và Pốc Ka thì vẫn liên tục đi lại và được người chủ khen ngợi bằng cái vuốt xoa, sau khi chúi mũi xuống hố đất, cào cấu chân trước báo hiệu có mùi hơi lạ. Đó là khi thi thể đầu tiên được tìm thấy vào trưa ngày 15/10. Ba chiếc xe xúc không còn tản ra, mà chụm lại một điểm, liên tục san, múc đất.</div> <p>Đến hơn 19 giờ tối ngày 15/10, thi thể thành viên cuối cùng trong số 13 cán bộ, quân nhân đoàn công tác bị núi lở vùi lấp đã được tìm thấy tại vị trí nền nhà Trạm kiểm lâm 67. Thi thể của 13 liệt sĩ nằm gần nhau, sau cái đêm kinh hoàng 12/10. Trước đó, đoàn công tác gồm 21 người, xuất phát lúc 14 giờ từ Huyện ủy Phong Điền để tiến vào khu vực Thủy điện Sông Trăng 3, nơi có rất nhiều công nhân đang bị mắc kẹt và mất tích. Lúc 16 giờ, đoàn đến ngầm tràn 71 thì dừng ô tô, đi bộ và 21 giờ đến Tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm 67 và nghỉ đêm lại ở đó...</p> <div> <div class="article-photo inlinephoto"><img alt="RÀO TRĂNG - người đi, mũ để lại - ảnh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2020/10/18/image-tienphong-vn_4c_ecuo.jpg" /><span class="fig">Chú chó Ô Ra Tơ lao xuống hố đánh hơi nghi ngờ có người nằm bên dưới</span></div> </div> <p><strong>Người đi, mũ để lại </strong></p> <p>Hình ảnh quen thuộc của những người lính thời chiến, đó là chiếc mũ úp trên khẩu súng được cắm ngược lưỡi lê xuống đất, báo hiệu người đã nằm xuống, một cái chết bi tráng cho Tổ quốc, kèm theo loạt đạn tiễn biệt. Còn ở tuyến đường vào thủy điện Rào Trăng 3, những người nằm lại dưới đất lạnh, nhưng chiếc mũ đã trôi theo dòng bùn đất một cách tự nhiên, sau đó mắc lại trên một đống cây nằm sát mép vực núi. Những chiếc mũ lấm bùn đất, nhưng những ngôi sao thì vẫn sáng rõ.</p> <p>Một người lính mặt cúi gằm, mắt không rời mặt đất để tìm dấu vết đồng đội. Anh đi lại gần những chiếc mũ úp, nhưng không thể tiến đến được gần hơn. Bởi những chiếc mũ nằm giữa đám bùn lầy ngập ngụa tới đầu gối. Người lính này nóng nảy, càu nhàu về việc cần xác định vị trí tốt hơn, vì nếu lỡ trượt qua ngày 15 thì mưa đổ, người nằm lại sẽ không được lành lặn.</p> <p>Tôi đã chụp ảnh đủ vào buổi chiều trước đó, nên ngày hôm sau quyết định mở rộng vòng tìm hiểu, tìm đường lên đỉnh núi để quan sát mảng núi sạt từ vị trí đối diện. Ngọn đồi nằm phía sau Trạm kiểm lâm 67 dường như vừa bị một cây đũa thần khua khoắng, khiến cả cánh rừng đổ rạp, nhiều cây ngã vắt ngang cản lối đi. Cố gắng lắm tôi cũng chỉ có thể di chuyển được chừng 500 mét, đánh đu trên từng cành cây, hoặc có khi chui dưới những tán cây đầy kiến vàng.</p> <p>Ròng rã 20 phút vẫn chưa lên tới được ngọn núi. Nhưng từ xa vẫn có thể nhìn thấy thấp thoáng ngọn đồi khá cao và bị sạt đất từ trên đỉnh. Nơi vết sạt để lộ ra đất sét vàng như màu thuốc súng. Đất đã tuôn theo hẻm núi, ùa xuống nơi đặt Trạm kiểm lâm 67, trong đó có những hòn đá tảng hàng chục tấn.</p> <div> <blockquote class="summarize cms-quote"> <p>Lần thứ hai vào hiện trường, tôi quyết định phóng xe máy vào Trạm kiểm lâm 67 thay vì ngồi trên ô tô để có thể quan sát được toàn cảnh. Con đường vào rừng phải băng qua khe 2 ngọn núi cao, sau đó lọt vào giữa một bình nguyên có nhiều thung lũng, đi tiếp trên con đường được cắt trên lưng núi, giống như cung đường trước khi đến cua tay áo trên đèo Hải Vân thì đến các khe núi, băng qua ngầm 71 là con suối nhỏ cắt ngang đường đi. Đoạn đường này tôi đi xe máy mất khoảng 20 phút. Nhưng trong mưa bão, đoàn công tác của tướng Man đã phải lặn lội đi bộ ròng rã mất 2 giờ đồng hồ…</p> <p>LÊ VĂN CHƯƠNG</p> </blockquote> </div> <p class="article-author cms-author"> </p> </div> <p> </p>