Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA) cho hay, trong đời sống tinh thần của người Việt, sự linh thiêng của ngày rằm tháng 7 xuất phát từ niềm tin có một cây cầu vô hình được bắc giữa hai bờ thế giới.
Theo đó, vào ngày rằm tháng 7, ở “cõi âm” mọi “tù nhân” ở địa ngục có cơ hội được xá tội, thoát ra khỏi cõi địa ngục. Dưới góc độ đạo giáo, tục cúng cô hồn bắt nguồn từ tích cổ Trung Hoa. Mỗi năm, Diêm Vương lại cho mở Quỷ môn quan từ ngày 2/7, để quỷ đói được trở lại cõi trần và đến sau 12 giờ đêm ngày 15/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục.
Mâm cỗ chay cúng rằm tháng 7. Ảnh: chùa Diệu Pháp. |
Bởi vậy, từ đêm 14/7 đến 15/7, người ta thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc đồ lễ cúng quỷ đói để cầu được bình an và được những điều tốt đẹp, không bị ma quỷ hại phá, đó chính là nguồn gốc của tên gọi Tết Quỷ. Sau này dân gian hiểu rộng ra thành lệ cúng và cầu phúc cho vong nhân nói chung. Lễ cúng dần dần thành xá tội vong nhân – thể hiện lòng kính trọng, vị tha của người còn sống đối với những người đã khuất, dẫu cho những hành động quá khứ lỗi lầm xưa kia…
Theo quan niệm của nhiều gia đình Việt, việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn rất cao trong văn hóa Việt, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn…
Cúng rằm tháng 7 chay hay mặn là do tín ngưỡng của mỗi người. Tuy nhiên, vong linh đã mất không thể ăn trực tiếp vào đồ dâng cúng mà chỉ thọ nhận trong thần thức mà thôi.
Khi thần thức của người đã khuất thèm khát, nghiện đồ cúng mặn tức là đã đắm đuối vào hành vi tạo nghiệp sát sinh. Như vậy, khi cúng đồ sát sinh thì vong linh gia tiên cũng bị “tòng phạm” về nghiệp sát sinh.
Nếu linh hồn đi tái sinh kiếp sau, ngoài nghiệp lực dẫn dắt, họ dễ chọn vào các gia đình hành nghề đồ tể, sát sinh để đầu thai theo nguyên lý “đồng khí tương cầu". Như vậy là oan oan tương báo, nghiệp chướng chất chồng, họ sẽ thọ nhận cảnh giới khổ đau trong các kiếp tái sinh sau này.
Nếu cúng chay, sẽ tạo duyên cho các linh hồn quen dần với những khẩu vị thanh tịnh, khiến cho thần thức của họ được minh triết, thì họ sẽ chọn những gia đình hiền lương, nhân ái để đầu thai trong kiếp sau.
Theo TS Vũ Thế Khanh, cúng chay hay mặn là tùy vào tín ngưỡng, mong muốn của gia chủ đối với sự tái sinh của ông bà, cha mẹ đã mất... Tuy nhiên, nếu đã cầu mong cho các thần thức được tái sinh vào cõi lành, về nơi cửa Phật thì lưu ý không cúng đồ sát sinh, không cúng các đồ tanh hôi...
"Khi ta khấn, ta luôn cầu mong ông bà được tái sinh cõi lành, về nơi cửa Phật, nhưng khi cúng, ta lại cúng đồ mặn, đồ tanh hôi... Vậy khác nào nói một đằng, làm một nẻo. Cho nên, nên cúng đồ thật, cỗ chay", ông Khanh nói. Cùng với đó, là cần cúng với Hỷ thực, Hiếu thực và Pháp thực.
Trong đó, Hỷ thực là cúng bằng cái tâm hoan hỷ, vui vẻ. Với thế giới tâm linh, lễ vật nhiều hay ít không quan trọng, mà cái quan trọng nhất là sự hoan hỷ, Phải cúng bằng cả niềm tin và sự hân hoan
Hiếu thực, là cúng với lòng biết ơn, vì nhớ ơn ông bà, cha mẹ, vì tri ân… mà cúng. Chứ không phải cúng để cầu lợi lộc, vì vụ lợi mà cúng.
Pháp thực là “món ăn” cao cấp nhất, là lời dạy của các chư phật, bồ tát, những bậc minh sư để các linh hồn được khai thị, bỏ những điều đau khổ trong quá khứ, nhìn thấy được hào quang, có thể sang được cảnh giới an lành.
Cùng với việc cúng rằm tháng 7, nên thực hiện các khóa lễ tâm linh, tụng kinh sám hối, tụng kinh Vu lan báo hiếu cho linh hồn cha mẹ tổ tiên được cảm ứng mà xả bỏ được nghiệp chướng phiền não tham sân si, để trở về cảnh giới an lạc, đồng thời cho những người còn sống cũng được thấm nhuần đạo lực của Chánh Kinh.
Làm các việc thiện, việc lành, khởi niệm từ bi với mọi chúng sinh để hồi hướng công đức cho cha mẹ tổ tiên...