Rác tràn ngập ở ngõ Chùa Duệ (phố Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy). Ảnh: Trần Thường
Con người sống ở đâu cũng không ngoài mấy câu: ăn, ở, đi lại. Nhưng có một vấn đề liên quan đến cả mấy chuyện đó, xâu chuỗi ảnh hưởng đến cả ăn, ở lẫn đi lại, đó là giải quyết rác.
Một thành phố phát triển hướng đến văn minh như Hà Nội, nói một cách sòng phẳng, chưa giải quyết tốt vấn đề rác và vệ sinh đô thị. Khẩu hiệu để một Hà Nội xanh, sạch, đẹp vẫn chỉ là trên khẩu hiệu, nhất là vừa qua thủ đô gặp khủng hoảng về rác.
Ở Hà Nội hay bất kỳ đâu ở nước ta, khâu xử lý bãi rác tách rời hẳn với việc thu gom vận chuyển rác từ các khu dân cư. Người dân đô thị ở Hà Nội coi chuyện Bãi rác Sóc Sơn dường như không liên quan đến mình.
Ở Hà Nội, tất cả các loại phế thải được gọi là rác được cho hỗn hợp vào một cái gọi là thùng rác. Điều đó khác hẳn với các nước, mọi nhà, mọi nơi để chứa rác đều có 3 thùng riêng biệt. Người dân có nghĩa vụ phải phân loại rác: rác hữu cơ, rác giấy nhựa có thể tái chế và rác thải rắn.
Vì sao phải làm như vậy? Vì công nghệ xử lý rác ở các bãi rác cần có sự phân loại sơ bộ như thế, để từng loại thì được xử lý riêng cho phù hợp; nhựa, giấy để tái chế; phần hữu cơ thì tiếp tục phân loại để làm phân hay hủy đi; còn một phần rắn thu hồi hoặc đốt. Như vậy tỷ lệ chôn lấp là rất nhỏ.Quá trình xử lý rác phải thực hiện ngay từ các gia đình và là một quá trình từ khi rác được thải ra đến khi đi hết “vòng đời” của nó.
Một số nước Bắc Âu còn phải nhập khẩu rác như một nguồn nguyên liệu cho các nhà máy xử lý rác, mà sản phẩm của nó có hiệu quả kinh tế cao. Với họ, rác không phải là rác như cách hiểu của người Việt, rác không phải là đồ bỏ đi.
Việc xử lý rác tập trung ở các bãi rác ở Việt Nam chưa tiếp cận được trình độ công nghệ xử lý rác tiên tiến trên thế giới. Việc chôn lấp rác có lẽ là công nghệ lạc hậu gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, ô nhiễm trầm trọng đất và nước.
Không hiểu sao với mức độ phát triển kinh tế xã hội như bây giờ mà các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM vẫn đối mặt với vấn đề rất nan giải là xử lý rác tại khu tập trung rác.
Có một chuyện không liên quan đến công nghệ cao, đó là thu gom và vận chuyển rác. Đi qua các đô thị Việt Nam, không khó nhìn thấy các bãi rác mini ở bất kỳ đâu.
Ở Hà Nội, các thùng rác đặt đâu trên phố thì xung quanh đó là một tai họa: rác tung tóe vương vãi, mùi xú uế nồng nặc. Không biết tại ai, tại nhà quản lý hay tại người đổ rác mà gây ra như thế?
Còn chuyện vận chuyển thu gom, ví dụ các xe rác chạy trên phố bất kể thời gian nào, thì rõ ràng là tại nhà quản lý. Nhìn những người lao công ì ạch vận chuyển những xe rác cao chất đống sao những nhà quản lý không động lòng!
Nói rộng ra, xử lý chất thải phản ánh mức độ văn minh của một cộng đồng xã hội.
Thời xưa, từ “đi đồng” chỉ sự đại tiện vì toàn bộ dân cư phóng uế ngoài đồng ruộng. Có một lực lượng những người nhặt phân coi đó là hàng hóa, kế sinh nhai, nông nghiệp coi đó là nguyên liệu để ủ phân dùng cho trồng trọt. Rồi sau đó, hố xí công cộng là nỗi ám ảnh kinh khủng một thời.
Mãi những năm đổi mới, những nhà vệ sinh trong các căn hộ mới là một nơi không chỉ làm nhiệm vụ thu chất thải, mà còn gắn liền với sinh hoạt chăm sóc thể chất. Có gia đình lắp bồn cầu của Nhật, biết phun rửa, phát nhạc…
Với đô thị Việt Nam, giải quyết chất thải nơi công cộng luôn luôn lạc hậu, bất cập. Cách đây không lâu, Hà Nội lắp các nhà vệ sinh lưu động, nhưng tỏ ra chưa có tác dụng như người ta hy vọng. Một khi ở các góc đường, gốc cây, góc vườn hoa, bờ hồ… còn đầy rác rưởi, còn kẻ tự do tiểu tiện, thì các nhà vệ sinh công cộng hoặc thu tiền, chỉ là thứ xa xỉ.
Bao giờ có luật về phân loại rác kèm theo chế tài nghiêm minh và thay đổi cách thu gom rác, lúc đó mới là tín hiệu có cuộc cách mạng về xử lý rác ở Việt Nam. Còn không thì chúng ta vẫn cứ “xử lý” rác bằng cách chon tự nhiên, để lại hệ lụy môi trường cho chính chúng ta và nhiều đời sau.