Dân phản ứng là có lý do
Về sự việc rác khu vực các quận ngoại thành Hà Nội ùn ứ mấy ngày liền do dân phản đối, chặn đường xe chở rác đi vào bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), ngày 14/1, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Sóc Sơn (Hà Nội), cho biết khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, người dân đã giải tán ở cả 2 điểm “chốt” trên địa bàn các xã: Hồng Kỳ, Nam Sơn và bãi rác Nam Sơn đã hoạt động trở lại. Ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), cho biết công ty cần khoảng 2 ngày để làm sạch thành phố với cường độ làm việc gấp rưỡi ngày thường.
GS.TS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, việc người dân phản ứng như vậy là có lý do bởi trong suốt thời gian qua, họ bị ảnh hưởng quá nhiều do phải sống gần bãi rác. Mùi hôi thối, ruồi nhặng vây bám, nước ô nhiễm… khiến họ không chịu đựng nổi.
Theo quy định của Bộ Xây dựng thì khoảng cách từ khu xử lý chất thải tới khu dân cư phụ thuộc vào hai yếu tố: một là khu xử lý chất thải dưới hình thức nào, loại chất thải đưa vào xử lý là loại chất thải gì, quy mô của khu xử lý; thứ hai là khu dân cư là loại hình khu dân cư gì, ví dụ như khu đô thị, khu dân cư miền núi.
Theo đó thì đối với khu dân cư là khu đô thị ở các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ… khoảng cách tối thiểu của bãi chôn lấp chất thải rắn nhỏ và vừa là 3000-5000m; khoảng cách tối thiểu của bãi chôn lấp chất thải rắn lớn là 5000-15000m; khoảng cách tối thiểu của bãi chôn lấp chất thải rắn rất lớn là 15000-30000m.
Ở đây, có thể do lượng rác ngày càng lớn, diện tích chôn lấp rác ngày càng mở rộng, tiến sát đến khu dân cư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Thứ nữa có thể do công tác quy hoạch, đền bù, giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, nên người dân phản đối. Và điều quan trọng, nhiều khả năng là việc chôn lấp rác không được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy trình. Hệ quả là ô nhiễm nguồn nước, không khí nghiêm trọng.
Chôn lấp đúng cách không ô nhiễm như vậy
Theo GS.TS Phạm Ngọc Đăng, chôn lấp rác đúng kỹ thuật không phải chỉ là vùi rá xuống rồi lấp lên mà phải có một hệ thống khác đi kèm. Toàn bộ khu chôn lấp phải được lót, có hệ thống thoát nước rỉ rác, không để chảy tràn ra xung quanh. Hệ thống khí độc hại phải được thu hồi để sản sinh ra năng lượng, hoặc đốt bỏ thì sẽ không tạo ra mùi hôi.
Hệ t hống ống thu khí, thoát nước, các gò cao, các lớp rác khoảng 50-60cm đều được rải một lớp đất thì khu chôn lấp sẽ khô ráo, hạn chế ô nhiễm môi trường. Nhiều khả năng là doanh nghiệp xử lý rác không tuân thủ đúng quy trình này, làm cho rỉ rác chảy ra môi trường, khí thải phát tán vào không khí.
“Nếu chôn lấp đúng cách thì nước rỉ rác sẽ được thu hồi để làm phân bón, khí thải tập trung trong đường ống, làm nhiên liệu để nấu nướng hoặc đốt bỏ. Ngược lại, nếu chỉ đổ rác xuống rồi lấp lên thì việc ô nhiễm là đương nhiên. Vấn đề ở đây là công nghệ. Doanh nghiệp xử lý rác đã áp dụng đúng công nghệ hay chưa? Hay vì sự quá tải của lượng rác phải xử lý hàng ngày mà người ta chôn lấp qua loa cho xong việc?”, GS.TS Phạm Ngọc Đăng đặt câu hỏi.
Ông Trịnh Đình Năng, tác giả sáng chế máy đốt rác thải (Sông Cầu, Bắc Cạn) cho rằng, việc chôn lấp rác hiện nay được thực hiện với nhiều bất cập. Đáng lẽ các khu chôn lấp phải có lớp lót, hệ thống thu gom nước, khí thải… thì doanh nghiệp không làm, cứ thế cho xuống chôn lấp nên mới dẫn đến ô nhiễm nặng nề như vậy. Một phần vì lượng rác quá tải, một phần vì lợi nhuận, vì sự lỏng lẻo trong quản lý, giám sát mới dẫn tới tình trạng này.
“Ở nhiều nước, rác là tài nguyên, thậm chí người ta phải đi mua rác về để phát điện và sản xuất phân bón. Nếu chúng ta đầu tư bài bản, chắc chắn việc xử lý rác không phát sinh nhiều vấn đề nan giải như hiện nay”, ông Trịnh Đình Năng nhận định.
Phân loại rác tại nguồn là giải pháp tận gốc
GS.TS Phạm Ngọc Đăng cho biết, hiện có nhiều công nghệ xử lý rác khác nhau, nhưng bất cập lớn nhất là chúng ta không phân loại rác tại nguồn. Do rác là hỗn hợp của nhiều loại từ nilon đến kim loại, rồi rau cỏ hữu cơ đến gạch đá, thủy tinh… nên khi đốt thường tốn rất nhiều năng lượng. Do đó các doanh nghiệp không mặn mà với việc đốt rác.
Nếu rác được phân loại tại nguồn thì việc xử lý rác sẽ cực kỳ đơn giản. Theo đó, rác hữu cơ sẽ được xử lý làm phân bón, phân vi sinh. Kim loại, nilon, nhựa tại chế có thể được xử lý bằng cách đốt, nung, các loại rác vô cơ như gạch, đất đá… dùng để làm nền đường trong xây dựng… Đáng tiếc là hiện nay chúng ta chưa thực hiện được việc này.
Ông Trịnh Đình Năng đề xuất tưởng xây dựng một nhà máy phát điện và sản xuất phân vi sinh từ rác. Theo đó, rác của không chỉ riêng một tỉnh mà của cả một khu vực rộng nhiều tỉnh có thể tập hợp về một nơi, sau đó được xử lý để phát điện và sản xuất phân bón, đây sẽ là nguồn tài nguyên cực kỳ dồi dào.
Theo đó, thống nhất công ty xử lý rác cũng phải là đơn vị thu gom tác. Đơn vị này sẽ bán ra các túi đựng rác, với giá thành khoảng 500 đồng -1000 đồng/túi tùy theo loại rác. Người dân buộc phải đựng rác vào các túi này thì mới được thu gom. Nhà nào thải ra nhiều rác thì phải chịu nhiều phí. Rác được phân loại cơ bản, khi xử lý sẽ rất đơn giản.
“Còn nếu cứ kéo dài việc chôn lấp rác bừa bãi như hiện nay thì đến một lúc nào đó không có chỗ mà chôn rác nữa. Bởi rác chôn lấp mất 10 năm mới phân hủy hết, trong khi mỗi ngày có bao nhiêu là rác thải ra, ô nhiễm môi trường sẽ cực kỳ lớn”, ông Trịnh Đình Năng nhận định.