Hỏi: Ở các hồ thủy điện, khi xả lũ tôi thấy dòng nước rất lớn đổ xuống, làm thế nào để không gây ra xói lở do lực nước chảy, gây mất an toàn cho chính thủy điện, hồ chứa?
Nguyễn Văn Hoài (Hòa Bình)
TS Tô Văn Trường, chuyên gia tư vấn độc lập về môi trường: Khi thủy điện xả lũ thì động năng dòng nước rất lớn, nhưng thủy điện có bể tiêu năng nên hầu như năng lượng xả lũ bị tiêu tán ở đây. Phần năng lượng còn lại bị tiêu tán rất nhanh do quá trình phân rã năng lượng rối nên dòng chảy nhanh chóng trở về trạng thái tự nhiên, xác định bằng các phương trình thủy lực mà không ảnh hưởng gì đến hạ du. Việc tiêu năng là bắt buộc vì nếu không làm thì nguy hại về an toàn sẽ đổ chính lên công trình thủy điện. Dòng chảy không tiêu năng sẽ làm xói lở hạ lưu và sẽ làm sập chính các đập của thủy điện. Do vậy công trình thủy điện nào cũng phải có bể tiêu năng, đó là quy định bắt buộc.
Khi thủy điện xả thêm nhiều nước xuống hạ du thì mực nước sẽ lên cao, vận tốc dòng chảy sẽ lớn hơn. Ở chỗ gần đập thì mặt cắt nhỏ nên mực nước dâng cao hơn, vận tốc sẽ cao hơn. Xuống xa hạ du, mặt cắt mở rộng, nếu chảy tràn bờ thì vận tốc nhỏ hơn. Bể tiêu năng do đó phải bố trí ngay ngay sát chân đập và là khu vực được tính toán thiết kế để xả lũ rồi ngay từ khi xây dựng nhà máy thủy điện. Trường hợp thủy điện tích nước nhưng lũ về nhiều, thủy điện xả nước nhiều hơn so với thông thường sẽ làm gia tăng thêm dòng chảy hạ lưu và nếu vượt quá mức sẽ gây thêm ngập lụt ở hạ lưu chứ không gây xói lở do tốc độ dòng chảy đã được điều tiết trong quá trình xả lũ. Khi xả lũ, dòng chảy sau công trình xả lũ đều phải chảy qua công trình tiêu năng và sau khi qua công trình này thì năng lượng của dòng chảy chỉ giống như dòng chảy tự nhiên.