<div><em>Thượng úy phi công Đặng Đức Toại trên máy bay huấn luyện T-6 Texan II của không quân Mỹ. Ảnh: USAF.</em> <p style="text-align: justify;">Thượng uý Đặng Đức Toại hôm 31/5 trở thành phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo trong Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ (USAF). Anh là một trong 10 ứng viên được lựa chọn tới Mỹ để học tiếng Anh từ năm 2016 và trải qua 12 tháng huấn luyện ở căn cứ không quân Columbus, bang Mississippi.</p> <p style="text-align: justify;">ALP là chương trình học bổng của không quân Mỹ dành cho các quốc gia thân thiện với Washington, nhằm xây dựng quan hệ giữa lãnh đạo lực lượng này với các sĩ quan nước ngoài trong tương lai. Cho tới nay, Việt Nam đã cử hai phi công quân sự tham gia chương trình là thượng úy Toại và trung uý Doãn Văn Cảnh, người sẽ hoàn thành chương trình trong thời gian tới.</p> <p style="text-align: justify;">Trả lời câu hỏi của <em>VnExpress </em>về quy trình tuyển ứng viên phi công cho chương trình ALP, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết USAF mỗi năm cấp 10 suất học bổng cho phi công quân đội các nước trên thế giới tham gia huấn luyện ở Mỹ. </p> <p style="text-align: justify;">Khi một quốc gia thân thiện với Washington được chọn tham gia chương trình, Văn phòng Tùy viên Quân sự thuộc Đại sứ quán Mỹ sẽ phối hợp với quân đội nước đó tuyển ứng viên đủ tiêu chuẩn để tham gia ALP.</p> <p style="text-align: justify;">Do số học bổng có giới hạn, tính cạnh tranh rất cao, mỗi nước chỉ được cử một ứng viên tham gia chương trình mỗi năm. Việc một nước nhận được suất đào tạo phi công trong năm nay sẽ không bảo đảm họ có thêm suất trong năm tiếp theo, nhằm giúp đảm bảo tính da dạng của các nước tham gia chương trình.</p> <p style="text-align: justify;">Theo thông cáo của không quân Mỹ, các phi công như Đặng Đức Toại được huấn luyện hơn 167 giờ bay trên máy bay huấn luyện T-6 Texan II và được đào tạo bay chuyên sâu về loại phi cơ này trước khi được cấp chứng nhận tốt nghiệp chương trình.</p> <p style="text-align: justify;">"USAF hoan nghênh các phi công Việt Nam tham gia ALP. Đây tiếp tục là một chương trình tuyệt vời để tăng hợp tác giữa không quân hai nước", Đại sứ quán Mỹ cho hay.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Thượng úy Đặng Đức Toại (trái) và người đồng đội, trung uý Doãn Văn Cảnh, trong buổi lễ hôm 31/5 ở căn cứ không quân Columbus, Mỹ. Ảnh: USAF." src="https://khds.1cdn.vn/2019/06/07/1-3286-1559877459.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: justify;">Thượng úy Đặng Đức Toại (trái) và người đồng đội, trung uý Doãn Văn Cảnh, trong buổi lễ hôm 31/5 ở căn cứ không quân Columbus, Mỹ. Ảnh: <em>USAF</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Trong lễ tốt nghiệp của phi công Đặng Đức Toại hôm 31/5, trung tướng Steve Kwast, chỉ huy Bộ tư lệnh huấn luyện đào tạo của không quân Mỹ, đánh giá rằng đây là một bước phát triển đáng kể trong mối quan hệ hợp tác của lực lượng không quân Việt - Mỹ. "Phương thức đào tạo và hợp tác này cho phép không quân Việt Nam tăng cường năng lực trên không và trên biển, giúp đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới", trung tướng Kwast tuyên bố.</p> <p style="text-align: justify;">Thượng úy Toại đánh giá việc tham gia chương trình ALP là cơ hội tốt để "học hỏi những điều mới mẻ" và khi trở về Việt Nam, anh sẽ truyền đạt lại cho các đồng đội những kiến thức đã được học trong 12 tháng huấn luyện ở căn cứ không quân Columbus.</p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>