Liên quan tới liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư của hai nhà khoa học vừa đạt giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018 mới đây, nhiều người thắc mắc về quy trình sử dụng thuốc miễn dịch theo cơ chế này.
Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, liệu pháp này thường áp dụng cho bệnh nhân ung thư không thể điều trị, giai đoạn cuối, di căn. Ngoài ra, thuốc chỉ sử dụng được đối với bệnh nhân có chốt kiểm dịch.
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Đức Huy, khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho hay đầu tiên bác sĩ xác định bệnh nhân ung thư có thích hợp để sử dụng thuốc theo liệu pháp miễn dịch hay không.
"Bệnh nhân phải trải qua một số xét nghiệm để xác định có chốt kiểm soát miễn dịch hay không thì mới sử dụng được liệu pháp miễn dịch", thạc sĩ Huy cho hay.
Bệnh nhân phù hợp sẽ được sử dụng thuốc miễn dịch theo đường tiêm qua tĩnh mạch đùi hoặc cổ. Mỗi bệnh nhân phải sử dụng 1-2 lọ trong một lần với liệu trình 3 tuần/lần.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết thêm các thuốc được sử dụng trong liệu pháp này đi vào cơ thể nhằm thực hiện mục đích kích hoạt hệ miễn dịch để nhận diện và tấn công, tiêu diệt tế bào ung thư. Các thuốc phổ biến hiện nay là Pembrolizumab, Nivolumab, Atezolizumab và Durvalumab… Sau khi được tiêm thuốc, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, đánh giá bệnh.
Loại thuốc đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt là để điều trị u hắc tố ác tính giai đoạn muộn vào năm 2011. Trước đó tuổi thọ của bệnh nhân mắc bệnh này ở giai đoạn muộn thường được đo lường bằng tháng. Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch mới đã giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân thêm vài năm.
Chỉ 3 tháng sau, FDA đã mở rộng chỉ định thuốc cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn. Sau đó, các nghiên cứu chứng minh thuốc hiệu quả trong ung thư bàng quang, thận, gan, và đầu và cổ vào năm 2015. Gần đây nhất, một số báo cáo đã chứng tỏ sự thành công của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư máu, u lympho ác tính và một số ung thư đường tiêu hóa, phụ khoa.
Ở Việt Nam, một số bệnh viện lớn đã sử dụng liệu pháp này song chưa có báo cáo cụ thể về hiệu quả sử dụng.
“Hiện tại chúng tôi đã điều trị cho hàng chục bệnh nhân và cần thời gian theo dõi thêm đủ dài để tổng kết, đánh giá hiệu quả. Cũng cần phải nói thêm đây không phải là phương thức chữa khỏi ung thư giai đoạn di căn mà chỉ tiêu diệt phần nào và ức chế, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Hơn nữa, đa số trường hợp ung thư để điều trị hiệu quả cần phối hợp đa mô thức và toàn diện, không một phương thức đơn lẻ nào có thể mang lại thành công”, bác sĩ Tĩnh cho hay.