<div> <p>Bên lề cuộc họp báo trước thềm kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh giải thích rõ hơn về điểm khác biệt trong việc bố trí chương trình nhân sự tại kỳ họp lần này.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="quy trinh bau duong kim Thu tuong lam Chu tich nuoc anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/03/24/znews-photo-zadn-vn_tuan_anh_1.jpg" title="quy trình bầu đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Phó trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh. Ảnh: <em>X.Đ.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Hiến pháp quy định Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội, để bầu Chủ tịch nước cần có danh sách nhân sự dự kiến bầu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu. Chủ tịch nước là chức danh chế định trong Hiến pháp. Một nhân sự muốn bầu được làm Chủ tịch nước không thể đồng thời làm Thủ tướng.</p> <p>“Trong kỳ này, ứng cử viên được giới thiệu ra Quốc hội để bầu Chủ tịch nước lại là Thủ tướng đương nhiệm nên muốn bầu Chủ tịch nước phải miễn nhiệm chức danh Thủ tướng trước”, Phó ban Công tác đại biểu giải thích.</p> <p>Theo ông, không thể có chuyện bầu Thủ tướng làm Chủ tịch nước, rồi Chủ tịch nước mới lại đi miễn nhiệm chức Thủ tướng của chính mình. Vì thế nên phải có sự điều chỉnh trong chương trình làm nhân sự tại kỳ họp thứ 11.</p> <p>Phương án được đưa ra là Chủ tịch nước (ông Nguyễn Phú Trọng) trình Quốc hội miễn nhiệm chức danh Thủ tướng. Tiếp đến, Quốc hội làm quy trình miễn nhiệm rồi bầu Chủ tịch nước, sau đó tân Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng mới.</p> <p>“Nếu các chức danh được kiện toàn không trùng nhau thì làm theo quy trình thông thường, nhưng lần này khác biệt nên sẽ có sự điều chỉnh”, ông Tuấn Anh nói thêm.</p> <p>Về băn khoăn nếu theo quy trình này thì sẽ có một thời gian bị khuyết chức danh Thủ tướng, ông Tuấn Anh khẳng định việc này là bình thường, đã được quy định rõ. Điều 95 Hiến pháp 2013 nêu “Khi Thủ tướng vắng mặt, một phó thủ tướng được Thủ tướng ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng lãnh đạo công tác của Chính phủ”.</p> <p>“Hơn nữa, thời gian khuyết chức danh này chỉ tính bằng ngày nên không có vấn đề gì”, Phó ban Công tác đại biểu nói.</p> <p>Thông tin thêm, ông cho biết theo quy trình bao giờ cũng kiện toàn bộ máy Quốc hội trước. Bầu Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc xong thì được hiểu là bộ máy mới đã đi vào hoạt động. Lúc đó mới triển khai các bước làm nhân sự tiếp theo.</p> <p>Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai (ngày 18/3), có 205 ứng viên được Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.</p> <p>Trong danh sách đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu ứng cử khối cơ quan Đảng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được khối cơ quan Chủ tịch nước giới thiệu; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính được giới thiệu ở khối Chính phủ; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ứng cử ở khối Quốc hội.</p> <p>Chính phủ và Quốc hội đương nhiệm có lần lượt 9 và 12 người không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nên các chức danh này sẽ được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11.</p> <div class="notebox ncenter"> <p>Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng 24/3, họp tập trung trong 12 ngày<em> (</em>dự kiến bế mạc vào 8/4). Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.</p> <p>Đặc biệt, Quốc hội sẽ dành 7 ngày để làm công tác nhân sự.</p> </div> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> </div> <p> </p>