Dự án gần 30 năm chưa hiện thực hoá
Mới đây, Thường trực Thành ủy đã nghe UBND TP Hà Nội báo cáo kết quả nghiên cứu về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Đây là một trong tám quy hoạch phân khu đô thị còn lại của Hà Nội (gồm sáu quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, quy hoạch phân khu sông Hồng, quy hoạch phân khu sông Đuống) phải nghiên cứu kéo dài 10 năm qua, đến nay mới cơ bản hoàn thiện.
Theo báo cáo của Hà Nội, hiện có khoảng 900.000 dân đang cư trú ở ở khu vực bờ sông Hồng. Do vướng quy hoạch đê điều, phân lũ nên ở đây, hạ tầng điện đường trường trạm không thể đầu tư, người dân không được xây dựng sửa chữa nhà. Để đảm bảo đời sống người dân, thành phố đã quyết định hộ dân nào có “sổ đỏ” hợp pháp sẽ vẫn được cấp phép xây dựng.
Theo UBND TP Hà Nội, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 nghiên cứu quy hoạch đoạn sông Hồng dài 40km (từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô diện tích 11.000ha, dân số khoảng 280.000 - 320.000 người. Quy hoạch này bao trùm phạm vi địa giới hành chính của 55 xã, phường thuộc 13 quận, huyện. Hiện Hà Nội đã hoàn tất lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tại 13 địa phương này.
Theo đồ án quy hoạch thì khu vực này sẽ là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của thủ đô, phục vụ các hoạt động bố trí lễ hội du lịch.
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng bố trí các dịch vụ giao thông đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị, hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa. Trong đó sẽ phát triển hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông, đường dành cho người đi bộ và xe đạp. Có hệ thống cầu, hầm kết nối đô thị hai bên bờ sông, kết nối giao thông đô thị và đường thủy, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực…
Quy hoạch cũng sẽ cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng. Hà Nội dự kiến quy hoạch này sẽ được phê duyệt trong tháng 6/2021.
Di dời hết khu nhà ở ra khỏi hành lang không an toàn
KTS Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương tiến hành cải tạo, chỉnh trang bộ mặt đô thị ven sông, kết nối hai bên bờ sông Hồng, tạo động lực phát triển cho thành phố. Định hướng chính của Quy hoạch này là: Đảm bảo hành lang, tuyến thoát lũ, bền vững đê điều, phù hợp Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết và quy hoạch đê điều được duyệt;
Các khu dân cư được tồn tại sẽ bố trí thêm hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ cho cuộc sống của người dân, ví dụ như hệ thống trường học, nhà văn hóa, trạm y tế… mở thêm một số tuyến đường giao thông nội bộ để người dân đi lại thuận tiện hơn. Hiện nay việc quản lý, cấp phép xây dựng của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn vì quy hoạch chưa được duyệt. Sau khi Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương triển khai các quy hoạch chi tiết, các dự án cụ thể, và là cơ sở để cấp phép xây dựng giúp cho người dân ổn định cuộc sống.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong suốt hơn 30 năm qua, kể từ khi Hà Nội xác định định hướng phát triển thành phố ven sông, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước “đánh tiếng”, góp vốn đầu tư nghiên cứu quá trình trị thủy, từ đó đề xuất các dự án phát triển hạ tầng ở hai bên bờ sông Hồng đều chưa thể trở thành hiện thực bởi vướng vấn đề trị thủy, thoát lũ. 50 - 60 năm trước đây, người Hàn Quốc từng mơ giấc mơ sông Hàn và họ đã tạo được “Kỳ tích sông Hàn”. Với sông Hồng, không chỉ chính quyền, mà người dân Thủ đô cũng vẫn luôn mơ về một thành phố bên sông.
Theo đồ án quy hoạch, khu vực nghiên cứu có diện tích 11.000ha, trong đó sông Hồng có diện tích 3.600ha (chiếm 33% tổng diện tích), đất bãi sông có diện tích khoảng 5.480ha (chiếm khoảng 50% tổng diện tích) và 1.190ha còn lại là khu vực đã xây dựng, khu dân cư…