Quy hoạch dễ vẽ, dọn rác khó xong

Theo ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), xử lý rác thải của “thành phố trong thành phố” là phải bắt đầu từ quy hoạch. Tránh trường hợp lên thành phố mới đào bới, xây dựng quy hoạch xử lý.

Cần quy hoạch xử lý rác từ đầu

Mới đây, tại hội nghị đánh giá quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Viện trưởng viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu, rà soát, định hình lại các chỉ tiêu về dân số, mật độ cư trú và phân bổ dân số phù hợp với tình hình thực tiễn triển khai xây dựng “thành phố trong thành phố”.

Tuy nhiên, việc chuyển từ huyện, quận lên thành phố không chỉ là sự thay đổi tên gọi, mà còn là quá trình đô thị hóa. Với thay đổi căn bản về kết cấu dân số, lối sống đô thị, cho đến cơ sở hạ tầng, cấu trúc thượng tầng, quản lý hành chính.

Một ví dụ, tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/05/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, một huyện quy mô dân số chỉ cần trên 120.000 người, nhưng lên thành phố cần ít nhất 150.000 người.

Đi kèm với dân số tăng lên là những áp lực lên cơ sở hạ tầng như đường xá giao thông, môi trường đô thị…

Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đạt quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị yêu cầu thành phố phải có đất cây xanh sử dụng công cộng trên 2m2/người, tỷ lệ người cấp nước sạch trên 95%, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn đạt trên 50% và tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom từ 90%.

Với chỉ riêng tiêu chí xử lý rác thải, Hà Nội cũng đang “đau đầu” trong nhiều năm qua. Các bãi rác hiện đang quá tải, quy hoạch mở rộng bãi rác chính Nam Sơn vẫn chưa được thực hiện.

Các dự án nhà máy xử lý rác trọng điểm chậm tiến độ trong nhiều năm, trong khi các nhà máy nhỏ lẻ cũng ít và chưa thể giải quyết được vấn đề.

Tình trạng quá tải rác thải này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân Hà Nội, đặc biệt khi người dân Sóc Sơn chặn đường vào bãi rác Nam Sơn đã xảy ra gần như định kỳ. Mỗi lần như vậy, Hà Nội “ngập” rác suốt nhiều ngày.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho rằng, xử lý rác thải của “thành phố trong thành phố” là phải bắt đầu từ quy hoạch.

Xây dựng “thành phố trong thành phố” phải đi kèm với hệ thống thu gom, xử lý rác thải. Tránh trường hợp lên thành phố mới đào bới, xây dựng quy hoạch xử lý. Đó là quy trình ngược và sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với xây dựng mạng lưới xử lý trước.

Nguy cơ “thành phố rác”?

Là đơn vị xử lý rác lớn nhất Hà Nội, vận hành các khu xử lý rác chính như Nam Sơn, Xuân Sơn, Cầu Diễn… Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho rằng, vấn đề xử lý rác khi xây dựng “thành phố trong thành phố” vẫn là vấn đề chỗ chứa và xử lý rác.

Đại diện Urenco khẳng định, năng lực của Urenco vẫn đảm bảo thu gom rác nếu được giao thêm. Một ví dụ điển hình, cuối năm vừa qua, Urenco phải hỗ trợ Công ty CP Nam Hà Nội Group (trước đây là công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Minh Quân) dọn và vận chuyển hàng nghìn tấn rác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

“Đơn vị đang đau đầu xử lý rác hiện nay, chứ chưa cần đến lúc có thành phố trong thành phố” - đại diện Urenco cho hay.

Đáng chú ý, theo ông Hoàng Dương Tùng, thực trạng hiện nay nhiều thành phố vẫn còn nợ các tiêu chí, trong đó có hệ thống xử lý rác thải tập trung và nợ này chưa biết bao giờ mới trả.

“Địa phương chỉ thích mang danh thành phố nhưng nhiều tiêu chí ở mức huyện” - ông Tùng nhận xét.

Hơn nữa, vấn đề quy hoạch càng quan trọng nếu lựa chọn Sóc Sơn là đơn vị nâng lên thành phố. Bên cạnh đó là một nhà máy đốt rác cũng có khả năng ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình hoạt động.

Ông Hoàng Dương Tùng cho rằng, xây dựng “thành phố trong thành phố” hoàn toàn khả thi, Hà Nội có thể nghiên cứu kinh nghiệm từ TP Thủ Đức và các nước khác trên thế giới để thực hiện quy hoạch này…

Box: Mới đây, khu xử lý chất thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) gặp sự cố trong quá trình vận hành khu xử lý nước thải, đã khiến đơn vị vận hành phải tập kết tại 6 bãi tạm thời, ảnh hưởng đến người dân.

Tuy đây là sự cố ngoài ý muốn, nhưng đại diện Urenco - đơn vị vận hành khu xử lý Xuân Sơn - cho biết, bãi rác này cũng đã quá tải và đơn vị buộc phải đóng cửa ngừng tiếp nhận từ 6/10.

Hiện nay, đơn vị này đang bố trí xe vận chuyển rác chuyển sang bãi rác Nam Sơn. Nhưng Nam Sơn cũng đang quá tải. Do đó, đơn vị này mong muốn cấp chính quyền nhanh chóng có phương án giải quyết tình trạng ùn tắc trên.

Theo Đời sống
back to top