Bộ hồ sơ quy hoạch hết sức đồ sộ
Chủ trì hội thảo là TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch VUSTA; Đồng chí Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT); PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA phát biểu khai mạc hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cho biết, nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay (SB) toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 336/QĐ-TTg ngày 4/3/2020 là một trong số 5 quy hoạch chuyên ngành được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT là cơ quan tổ chức lập quy hoạch. Việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển CHK, SB toàn quốc sẽ phải đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển GTVT, phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT và thực hiện vai trò thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK và SB thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, VUSTA tổ chức hội thảo góp ý quy hoạch. “Bộ hồ sơ dự thảo quy hoạch mà VUSTA nhận được từ Bộ GTVT là một bộ hồ sơ hết sức đồ sộ với hơn 1.000 trang thuyết minh báo cáo quy hoạch, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và trên 50 trang bản đồ quy hoạch. Bộ hồ sơ với nhiều thông tin, số liệu, hình ảnh, đã cho thấy sự nghiêm túc và cầu thị của Bộ GTVT trong việc xin ý kiến của các đơn vị liên quan trong đó có VUSTA. Sau khi nhận được bộ hồ sơ quy hoạch do Bộ GTVT dự thảo, VUSTA đã làm việc với Hội Khoa học Công nghệ hàng không và thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu tài liệu và đóng góp ý kiến cho dự thảo”, TSKH Phan Xuân Dũng nói.
Cần nghiêm túc rà soát, sớm hoàn thiện quy hoạch
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, hiện nay trên cả nước đang khai thác 22 CHK gồm 9 CHK quốc tế và 13 CHK nội địa đã đóng góp tích trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), an ninh quốc phòng của đất nước nói chung và từng vùng miền nói riêng. Tuy nhiên, hiện chưa có CHK đầu mối lớn, mang tầm khu vực và quốc tế; một số CHK khai thác thực tế vượt so với dự báo và công suất thiết kế gồm: CHK Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài; nhiều hạng mục tại các CHK chưa được đầu tư, nâng cấp, mở rộng do các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, đặc biệt là quản lý đất đai và xây dựng, hoặc do hạn chế về nguồn vốn; công suất các CHK cần được cân đối cho phù hợp với điều kiện phát triển KTXH...
Toàn cảnh hội thảo. |
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, SB toàn quốc do Cục Hàng không Việt Nam thực hiện. Theo quy hoạch đến năm 2030, số lượng các cảng HK, SB là 26 cảng hàng không bao gồm 13 CHK quốc tế, 13 CHK nội địa. Định hướng đến năm 2050, số lượng các CHK, SB là 30 CHK bao gồm 15 CHK quốc tế, 15 CHK nội địa, trong đó, CHK thứ 2 cho vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến sau năm 2030. Ước tính tổng mức đầu tư và nguồn vốn giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 365.100 tỷ đồng, chi phí đầu tư giai đoạn 2030 - 2050 khoảng 866.360 tỷ đồng.
Kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị các đơn vị của ngành GTVT nghiêm túc rà soát, sớm hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, SB toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.