Lễ rước kiệu, áo, đai… của Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan.
5 người con đều làm tướng
Tấm gương trung liệt của Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan khiến cho tướng nhà Mạc phải khâm phục đến nỗi dù phải giết ông, nhưng sau đã đích thân đưa tiễn linh cữu ông.
Năm Quý Dậu (1573), Tiết vương Trịnh Tùng thấy ông làm tướng đã lâu, tiếng tăm lừng lẫy, có tài hùng biện, muốn đưa ông vào hàng quan văn, bèn phong làm Hiệp mưu công thần, đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Binh bộ Thượng thư, Thái phó Tấn Quốc công.
Từ năm Giáp Tuất (1574) đến năm Bính Tý (1576), quân Mạc do Thạch quận công Nguyễn Quyện chỉ huy đánh phá Hoan châu, Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan đã chỉ huy đại quân cùng với 30 viên tướng, trong số đó có 5 người con trai của ông là Thế Quận công Nguyễn Cảnh Hựu, Trung Quận công Nguyễn Cảnh Huân, Cường Quận công Nguyễn Cảnh Vạn, Lập Quận công Nguyễn Cảnh Chiêu, Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên chống cự đánh bại quân Mạc từ sông Tam Kỳ ra khỏi Cửa Hội.
Năm Bính Tý (1576), Mạc Kính Điển lại đem quân xâm lược Thanh Hóa, sai Tây Đạo tướng Mạc Ngọc Liễn đem quân đánh sông Đồng Cổ huyện Yên Định.
Tiết chế Trịnh Tùng cho mời Tấn Quốc công Trịnh Mô từ Hoan châu về Thanh Hóa bàn việc chống giặc. Trên đường hành quân trở về bị quân của Nguyễn Quyện phát hiện, cho quân mai phục ở huyện Ngọc Sơn bắt được Tấn Quốc công Trịnh Mô đưa về Đông Kinh. Trịnh Tùng phái người ra Bắc tìm cách đem vàng chuộc Trịnh Mô nhưng không được.
Tướng nhà Mạc phải khâm phục
Nhà Mạc biết ông là một công thần nên rất hậu đãi nhằm dụ dỗ ông theo quân Mạc. Dụ dỗ mãi không được, nhà Mạc đã hãm hại ông trong ngục.
Ngày 16 tháng 9 năm Bính Tý (1576), ông qua đời, thọ 57 tuổi. Thấy tấm gương trung liệt của Trịnh Mô, tướng nhà Mạc là Thạch Quận công Nguyễn Quyện khâm phục nói rằng: “Trung nghĩa cương liệt đời hiếm hoi, sau đây ắt sẽ thành thần lớn”. Bèn sai sắm áo quan khâm liệm và xin vua Mạc cho đưa thi hài về an táng tại châu Hoan.
Nguyễn Quyện đích thân đưa linh cữu Tấn Quốc công Trịnh Mô (Nguyễn Cảnh Hoan) ra tận bờ sông, rồi cho thuyền chở linh cữu về tận cửa Hội. Để tỏ lòng kính trọng và thương tiếc ông, vua Lê cho tổ chức lễ quốc tang.
Năm Nhâm Dần (1602) triều đình Lê- Trịnh truy tặng Nguyễn Cảnh Hoan tám chữ: “Hùng Nghị Khuông Tế Trạch Dân Đại vương” (Hùng Nghị là tên thụy do triều đình đặt cho ông), đồng thời nhà vua sai Quốc sư Chính Hòa đưa hài cốt cát táng tại xứ Chọ Mây trong dãy núi Cấm và xây ngôi đền thờ lớn bên bờ sông Lam thuộc xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An để nhân dân hương khói phụng thờ.
Năm 1664, triều đình quyết định tổ chức lễ hội tại đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan vào rằm tháng 3 hàng năm và định kỳ 10 năm lại tổ chức đại lễ một lần.
Ở Nghệ An, ngoài đền thờ chính ở Tràng Sơn, còn có đền thờ Tấn Quận công Nguyễn Cảnh Hoan ở xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, đền Hữu ở xã Thanh Yên, phủ thờ ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, đền thờ tại Hồ Nón, huyện Nam Đàn…
Con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh đã tiếp nối được truyền thống của gia tộc, tiếp tục sự nghiệp trung hưng nhà Lê, nhiều người làm tướng, 18 người được phong quận công, 72 người tước hầu.
Trịnh Dương