Đồng bằng sông Hồng giữ vị trí có giá cả đắt đỏ nhất cả nước. Vị trí thứ hai là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 99,61%.
Tiếp theo là Đông Nam Bộ 99,04%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 98,74%, Tây Nguyên 97,57%. Cuối cùng là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 95,12%.
Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam có những bước tăng tốc mạnh mẽ. Nhờ vào thương mại điện tử mà giá hàng hóa công khai, minh bạch, dịch vụ vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, do vậy mức giá hàng hóa gần như thống nhất trên toàn quốc.
Trên thực tế, giá hàng hóa giữa các địa phương chủ yếu chỉ chênh lệch phần chi phí vận tải. Chính vì vậy, mức giá giữa các vùng ngày càng đồng đều hơn khi các kênh bán hàng qua mạng phát triển.
Trên quy mô 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với mức giá đắt đỏ nhất cả nước. Quảng Ninh đứng thứ 2 cả nước với chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 99,5% so với Hà Nội, tăng mức đắt đỏ 4 bậc so với năm 2020.
Năm 2020, Quảng Ninh có mức giá đắt đỏ xếp thứ 6 cả nước. Sang năm 2021, Quảng Ninh vượt lên xếp thứ hai vì là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Đứng thứ ba trong cả nước là TPHCM với chỉ số SCOLI bằng 98,98%. Tiếp theo là Đà Nẵng đứng thứ 4 với chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 96,4%. Mức giá của Đà Nẵng đứng ở vị trí cao trong cả nước do Đà Nẵng là một trong 5 thành phố lớn của Việt Nam, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung.
Xếp thứ 5 là Hải Phòng với chỉ số SCOLI bằng 95,58%, giảm mức đắt đỏ 2 bậc so với năm 2020. Hải Phòng tập trung nhiều ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đặc biệt là cảng trung chuyển hàng hóa chiến lược quan trọng.