Tỉnh “nương tay”, Sabeco vẫn chậm
Tiêu biểu là trường hợp Dự án Văn phòng – Trung tâm giới thiệu sản phẩm và nhà hàng Sabeco của Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Dự án được tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, đến nay Tổng Công ty Sabeco vẫn chưa triển khai dự án theo tiến độ đã cam kết.
Chính vì sự chậm chễ này, tháng 2/2017, tỉnh Quảng Ngãi đã phải thành lập Đoàn thanh tra kiểm tra liên ngành về kiểm tra tiến độ đầu tư, thực hiện dự án. Trong đó, nguyên nhân chậm được xác định trước hết thuộc về trách nhiệm của Sabeco "chưa thể hiện quyết tâm đầu tư".
Thậm chí, Tổng Công ty Sabeco còn giao lại dự án cho Công ty con là Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco thiếu năng lực, kinh nghiệm để thực hiện, thiếu phối hợp với các sở, ngành chức năng trong giải quyết các vướng mắc liên quan.
Sau khi xem xét nguyện vọng của nhà đầu tư và ghi nhận những đóng góp của Tổng Công ty Sabeco với tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh thống nhất tạo điều kiện để Sabeco được tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đồng thời yêu cầu Tổng Công ty Sabeco chậm nhất ngày 30/10/2017 phải có văn bản gửi UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện dự án và chuyển giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho Công ty CP Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi (đơn vị do Sabeco chiếm 67% cổ phần).
Song song với đó, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Công ty CP Bia Sài Gòn – Quảng Ngãi phải khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý có liên quan, xây dựng phương án đầu tư, cam kết tiến độ thực hiện cụ thể. Nhà đầu tư phải triển khai thực hiện và hoàn thành dự án trong vòng 18 tháng (kể từ ngày được cơ quan thẩm quyền điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư). Nếu quá thời hạn nêu trên, UBND tỉnh sẽ xem xét, thu hồi dự án theo đúng quy định pháp luật.
Thực tế cho thấy, ngay tháng 11/2017 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất việc Tổng Công ty Sabeco được tiếp tục thực hiện dự án và chuyển giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho Công ty CP Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, tới tận tháng 7/2019 và tháng 9/2019, nhà đầu tư mới có báo cáo tiến độ thực hiện, kế hoạch thực hiện dự án trong quý 4/2019 và năm 2020, nhưng chưa hề đề cập đến tiến độ thi công xây dựng công trình cũng như cam kết thực hiện dự án. Qua đối chiếu cho thấy dự án này đã chậm tiến độ khoảng 15 tháng.
Mới nhất, trung tuần tháng 4/2020, UBND tỉnh cho biết tiếp tục chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu tỉnh có hướng giải quyết đối với dự án của Sabeco.
Phối cảnh dự án Công viên Thiên Bút. |
Có cơ chế, dự án BT vẫn tắc
Dự án Công viên Thiên Bút do Sở Xây dựng tỉnh là cơ quan tham mưu, đề xuất đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2017; phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT vào tháng 3/2018. Công ty CP đầu tư xây dựng Thiên Tân được lựa chọn là nhà đầu tư, và được thanh toán bằng quỹ đất hợp pháp tại Khu đô thị Thiên Tân.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Tổ đàm phán hợp đồng dự án vào tháng 11/2018 để đàm phán và ký kết hợp đồng dự án Công viên Thiên Bút với nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc thực hiện đàm phán và hoàn chỉnh hợp đồng có nhiều khó khăn, do giá trị quỹ đất thanh toán dự án Công viên Thiên Bút cho nhà đầu tư chưa được UBND tỉnh phê duyệt.
Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 28/3/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ (quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao) có hiệu lực.
Tháng 12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT.
Theo phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/500 Dự án Công viên Thiên Bút và Khu đô thị sinh thái Thiên Tân vào tháng 9/2019, cơ cấu sử dụng đất của dự án đã được điều chỉnh. Trong đó, đất dành cho công viên Thiên Bút khoảng 21,3ha chiếm 42,64%, trong khi đó đất đô thị Thiên Tân dành đối ứng cho nhà đầu tư là 28,7ha chiếm 57,36%.
Ngày 09/01/2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ. Nhưng quá trình triển khai vẫn phát sinh vướng mắc, khiến đến nay dự án vẫn đang tạm ngừng triển khai.
Hay như dự án Khu du lịch sinh thái biển Hàng Dương được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận từ năm 2003 với diện tích khoảng 13,18ha cho Công ty TNHH Hà Thành, sau đó nhà đầu tư có triển khai một số hạng mục, nhưng rất nhỏ.
Do việc triển khai dự án kéo dài, chậm trễ, tháng 5/2007, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi hơn 10ha đất thuộc dự án, phần còn lại hơn 3ha tỉnh Quảng Ngãi cho công ty này thuê lại.
Quá trình thực hiện dự án tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, thậm chí năm 2019 còn tiến hành thanh tra đối với dự án Khu du lịch sinh thái biển Hàng Dương và chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chấm dứt hoạt động đối với dự án này.
Đây mới chỉ là một số dự án đang thuộc trường hợp chậm triển khai gây lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai mà người dân tỉnh Quảng Ngãi đang bức xúc. Báo KH&ĐS sẽ tiếp tục thông tin loạt dự án chậm tiêu biểu khác tại địa phương trong thời gian tới.