<div> <table class="picBox"> <tbody> <tr> <td><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2020/10/18/baochinhphu-vn_img-2167.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="desc">Nước lũ lên nhanh gây ngập lụt diện rộng tại nhiều huyện ở Quảng Bình. Ảnh: VGP/Lưu Hương</td> </tr> </tbody> </table> <p>Từ 1 giờ sáng ngày 16/10 đến 16 giờ chiều ngày 17/10 nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa to đến rất to phổ biến từ 170 - 250 mm, có nơi cao hơn như: Minh Hóa 558mm, Đồng Tâm 509mm, Trường Sơn 503mm, Tuyên Hóa 415mm.</p> <p>Mưa lớn đã khiến nước lũ các sông dâng lên nhanh đã làm ngập 11.055 ngôi nhà của người dân, nhiều nhất là huyện Lệ Thủy với khoảng 7.600 nhà bị ngập nước.<br /> <br /> Nước lũ lên nhanh nên số thôn, bản bị chia cắt, cô lập tăng liên tục, cụ thể: Huyện Quảng Ninh có 28 thôn/6 xã; huyện Tuyên Hóa có 12 thôn/5 xã; huyện Bố Trạch có 7 thôn/3 xã; huyện Minh Hóa có 16 bản/3 xã; huyện Bố Trạch có 7 bản/xã; huyện Quảng Ninh có 4 bản/xã; huyện Lệ Thủy có 2 bản/2 xã. </p> <p>Mưa lũ làm sụt trượt mái ta luy dương đất, đá tràn xuống nền, mặt đường khiến nhiều đoạn trên các tuyến đường như Quốc lộ 15 đi qua địa bàn huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy; các quốc lộ 9B, 9C, 9E; đường tỉnh 559B, 559, 562, 564 và 564B bị ngập, ách tắc. Riêng Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh chiều nay bắt đầu ngập. Các phương tiện được hướng dẫn đi trên tuyến tránh lũ. </p> <p>Trước tình hình mưa lũ, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN); các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.</p> <p>Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh duy trì nghiêm kíp trực; thường trực 100% quân số tại cơ quan, đơn vị; sẵn sàng lực lượng cơ động, phương tiện để tham gia ứng phó mưa lớn, ngập lụt. Công an tỉnh chủ động thành lập các tổ công tác trực ứng phó với mưa lũ; Sở GTVT chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm bảo an toàn...</p> <p>Các địa phương phân công cụ thể cán bộ trực tiếp chỉ đạo các xã, các thôn, bản; đặc biệt là những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét; Chủ động chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác, đề phòng bị chia cắt lâu dài.</p> <p>Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là qua các khu vực ngầm, tràn, đò ngang, cương quyết không cho người và phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm. Rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, hạ lưu các hồ đập; vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi có yêu cầu khẩn cấp; tuyên truyền nhắc nhở, kiên quyết không để nhân dân vớt củi, bắt cá, lội qua khe, suối… khi đang có mưa lũ.</p> <div> </div> </div>