Quản trị công ty đang ở mức báo động
Trao đổi với KH&ĐS, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế T.W (CIEM) cho biết, vấn đề quản trị công ty của doanh nghiệp Việt Nam hiện đang ở mức đáng báo động. Những vụ tranh chấp nội bộ gần đây trong một số tập đoàn và ngân hàng như Trung Nguyên, Coteccons, Vinaconex, Eximbank... hay sự sụp đổ, vi phạm pháp luật tại một số ngân hàng đều có nguyên nhân chính là do quản trị công ty yếu kém.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư (CIEM). |
Thiếu khung khổ quản trị tốt trong doanh nghiệp đã biến mâu thuẫn gia đình thành tranh chấp trong doanh nghiệp, làm suy yếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những cuộc “nội chiến” giữa các cổ đông lớn làm ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh của doanh nghiệp. Bộ máy quản trị trở nên vô hiệu, cổ đông nhỏ bị lạm dụng và chiếm đoạt lợi ích, gây ra những thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
Ngay cả khi không có mâu thuẫn, nhưng quyền hành lãnh đạo tập trung hết trong tay một cá nhân thì cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Đã xảy ra nhiều trường hợp, khi một cá nhân ra quyết định hoặc chi phối việc ra quyết định, các thành viên khác trong Hội đồng quản trị (HĐQT) và người quản lý phải nghe và làm theo. Hậu quả là doanh nghiệp sụp đổ, một số nhân sự phải chịu thi hành án.
“Có những công ty cổ phần hoạt động 10 - 15 năm nay, nhưng họ không hề biết chức năng hoặc vai trò của HĐQT, Đại hội đồng cổ đông. Họ cũng không hề ý thức được quản trị công ty là gì và có lợi ích như thế nào. Mọi hoạt động của công ty hoàn toàn được điều hành theo thói quen, theo cảm tính, theo cách gia đình trị, theo những gì cá nhân họ nghĩ là thuận tiện. Chỉ khi bắt đầu xảy ra khủng khoảng, tranh chấp thì họ mới nhận thấy giá trị của quản trị tốt. Lúc đó có thể đã muộn. Nhiều lợi ích khác bản thân doanh nghiệp không nhận ra bởi vì nếu có khung khổ quản trị tốt hơn thì công ty có thể còn phát triển hơn thế nữa” - ông Hiếu quan ngại.
Hai cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới đều có nguyên nhân từ quản trị công ty yếu kém. Các nước, các tổ chức sau đó đều đã nỗ lực nâng cao quản trị. OECD đã ban hành nguyên tắc quản trị 2015 là một ví dụ.
Chất lượng quản trị công ty của doanh nghiệp Việt Nam mặc dù đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức thấp so với các nước trên thế giới.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam được xếp hạng 170/170 năm 2007 về chỉ số bảo vệ cổ đông, có nghĩa chất lượng quản trị công ty của doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm đó gần như là số "không".
Luật Doanh nghiệp năm 2014 được ban hành đánh dấu một bước mới về thiết lập khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích cổ đông. Theo đó, khung khổ pháp lý quản trị công ty của doanh nghiệp Việt Nam dần dần được cải thiện, xếp hạng 125/170 năm 2016 (tăng 45 hạng) và hiện đang đứng xếp hạng 89/170.
Nếu so sánh với các nước trong khu vực, quản trị công ty của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp xa so với Indonesia (xếp hạng 51), kém hơn rất nhiều so với Thái Lan (xếp hạng 15), Singapore (xếp hạng 7) và Malaysia (xếp hạng 2).
Kỳ vọng nhưng còn nhiều thách thức
Theo ông Phan Đức Hiếu, quản trị công ty không chỉ là vấn đề thể chế mà còn là yếu tố quan trọng trong kinh doanh. Một doanh nghiệp có quản trị công ty tốt sẽ quản lý được rủi ro, cải thiện được hiệu quả hoạt động kinh doanh, tạo ra sự phát triển bền vững dài hạn. Từ đó, doanh nghiệp sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, thay vì phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
CIEM đã đo lường mức độ quản trị các công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Kết quả cho thấy, các công ty có thông lệ quản trị công ty tốt hơn đều có hiệu quả kinh doanh cao hơn. Các công ty trong nhóm xếp hạng quản trị công ty hàng đầu có mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và mức lợi nhuận trên tổng tài sản cao hơn nhóm doanh nghiệp xếp hạng ở cuối. Tỷ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp có quản trị công ty tốt hơn đạt mức ROE 15,27%, cao hơn những công ty có quản trị công ty kém với mức ROE 10,65%. Kết quả tương tự cũng thu được khi tính toán các tỷ số về lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA). Rõ ràng, có mối liên hệ mật thiết giữa quản trị và hiệu quả kinh doanh. Quản trị tốt có tác động lớn tới chất lượng doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp 2020 sửa đổi, đặt trọng tâm vào hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản trị công ty. Luật được kỳ vọng là điểm đột phá về nâng cao chất lượng doanh nghiệp. Nhưng cũng cần nhìn vào thực tế. Một khung khổ pháp lý về quản trị công ty tốt không đảm bảo chắc chắn được việc thực thi quản trị công ty cũng tốt.
Việt Nam đang xếp hạng 89 về khung khổ pháp lý, cao hơn Philippines (xếp hạng 137), nhưng xét về thực tiễn quản trị công ty, nước ta chỉ bằng nửa so với Philippine và các nước ASEAN khác.
Thực tiễn quản trị công ty ở Việt Nam còn rất thấp so với các nước khác (Nguồn: CIEM cung cấp). |
Có thể thấy rằng thực tiễn quản trị của Việt Nam có khoảng cách rất lớn với luật pháp. Luật được nâng lên, hoàn thiện hơn nhưng chưa hẳn thực tiễn sẽ tốt theo.
Cũng cần phải lưu ý rằng, ngoài thiếu nhận thức về quản trị, việc thực hiện quản trị công ty ở Việt nam chủ yếu nhằm đối phó, tuân thủ các yêu cầu quy phạm nhiều hơn là tự nguyện cam kết nâng cao thực tiễn quản trị công ty trong doanh nghiệp.
Trong khi đó, nhiều quốc gia khác đã vượt trên cả sự tuân thủ. Khung khổ pháp lý chỉ là mức tối thiểu để doanh nghiệp dựa theo để thực hiện.
Đây chính là thách thức rất lớn của các doanh nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Theo ông Hiếu: “Chúng tôi đã ban hành nhiều tài liệu hướng dẫn quản trị tốt tới các doanh nghiệp, thậm chí có thể nói là “năn nỉ” họ, thường xuyên đưa ra những bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp yếu kém quản trị. Nhiều cuộc thi chấm điểm quản trị, trao giải thưởng hàng năm được đưa ra để khích lệ nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về quản trị. Nhưng tất cả vẫn chỉ là những thay đổi rất ít. Tôi thấy quản trị công ty ở Việt Nam vẫn còn là một điều xa xỉ”.
Nếu doanh nghiệp không tự nâng cao nhận thức về quản trị tốt thì doanh nghiệp đó bị thiệt trước tiên. Nhà nước vẫn tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của quản trị tốt, đồng thời khuyến cáo các nhà đầu tư cũng cần nâng cao nhận thức về quản trị. Qua đó, nhà đầu tư, đặc biệt các cổ đông nhỏ biết sàng lọc, lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư theo tiêu chí về quản trị, để tự bảo vệ chính mình.