Quan trắc tia cực tím để cảnh báo bảo vệ sức khỏe

(khoahocdoisong.vn) - Cảnh báo chỉ số tia cực tím là bản tin mới được phát hành của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia. Để quan trắc đầy đủ tia cực tím, cần đến số lượng trạm quan trắc rất lớn.

Liên tục cảnh báo nguy hiểm của tia cực tím

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 28/5, chỉ số tia cực tím (UV) cực đại tại các thành phố trên cả ba miền đều ở mức nguy cơ gây hại rất cao (8 - 10). Ở chỉ số này, tia UV có khả năng gây bỏng cho da nếu người dân tiếp xúc trực tiếp dưới ánh mặt trời liên tục trong 25 phút. Từ ngày 29 - 31/5, nắng nóng xuất hiện diện rộng tại Bắc Bộ và Trung Bộ, khu vực Nam Bộ ngày nắng nóng nên chỉ số tia UV cực đại tại các thành phố đều có khả năng đạt ngưỡng nguy cơ gây hại cao đến rất cao.

Lãnh thổ Việt Nam nằm hoàn toàn trong khu vực nội chí tuyến ở Bắc bán cầu, vì vậy, chịu sự chi phối bởi chế độ bức xạ nội chí tuyến: Độ cao mặt trời khá lớn, thời gian chiếu sáng đồng đều, tổng lượng bức xạ dồi dào. Lượng bức xạ mặt trời rất lớn với số giờ nắng từ 1.400 - 3.000 giờ/năm, nhiệt bức xạ trung bình năm 100kcal/cm² khiến nền nhiệt độ cao.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, với một địa hình phức tạp, chịu tác động mạnh bởi nhiều loại hình thiên tai nên mạng lưới quan trắc ở Việt Nam ngoài việc quan trắc các hiện tượng thời tiết hiện tại, thời tiết đã qua; quan trắc gió, trạng thái mặt đất, tầm nhìn ngang, mây; nhiệt độ không khí, nhiệt độ đất, nhiệt độ các lớp đất sâu; độ ẩm không khí, áp suất khí quyển; thời gian nắng; lượng mưa; bốc hơi; bức xạ. Việc đo bức xạ cực tím đã được cơ quan chức năng đo đạc từ đầu những năm 1990 bằng phổ kế M-124, việc quan trắc này phục vụ cho dữ liệu điều tra cơ bản.

Cho đến nay số lượng trạm đo vẫn rất ít ỏi. Cả nước hiện có 3 thiết bị đo tổng lượng ozon và cường độ bức xạ cực tím đặt tại Trụ sở Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Hà Nội), thị trấn Sa Pa (Lào Cai) và Nhà Bè (TPHCM). Các máy này thực hiện quan trắc 24/24 giờ, số liệu cập nhật về Đài Khí tượng cao không và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để phân tích ra cho ra bản tin phục vụ cộng đồng.

Chủ động bảo vệ sức khỏe qua bản tin

Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết thêm, ngoài việc phục vụ cho lĩnh vực y tế - sức khỏe, cảnh báo chỉ số tia cực tím có thể dự báo phục vụ xây dựng các nhà máy điện gió ngoài khơi và trên bờ. Tia cực tím được phân thành 3 loại chính và chỉ có các thiết bị quan trắc mới xác định được các tia phụ thuộc vào bước sóng của tia. Để có nguồn số liệu đủ dày về tia cực tím nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội về công tác cảnh báo, dự báo cho người dân chủ động trong phòng, chống tác hại của tia cực tím trong mùa hè và trong các đợt nắng nóng thì quy hoạch, bổ sung các trạm quan trắc tia cực tím là rất cấp thiết.

TS Trần Hồng Thái, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ TN&MT cho hay, trong điều kiện hiện nay mỗi người dân cần chủ động nắm bắt những thông tin cảnh báo của cơ quan chức năng để chủ động hiểu và phòng tránh. Trong đó, cần lưu ý trong những ngày hè, khi trời quang mây và có nắng gắt, cường độ tia cực tím UV sẽ rất cao, nguy hiểm đối với con người, đặc biệt là da và mắt. Do đó, trong những ngày chỉ số UV ở mức 6 - 7 (mức gây hại cao) và từ 8 - 10 và trên 10 (mức gây hại rất cao) thì khi ra đường chúng ta cần trang bị các vật dụng bảo vệ mắt và da như đeo kính và mặc áo chống nắng. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời gian dài, đặc biệt là thời gian ban trưa và đầu giờ chiều, thời điểm tia UV thường đạt cực đại.

Việc tiếp xúc quá lâu với tia UV sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da. Tia UV gây đứt gãy các liên kết giữa các phân tử, góp phần làm đột biến cấu trúc ADN và RNA trong nhân tế bào, đây là nguyên nhân chính gây ung thư các dạng như u hắc tố, ung thư liên bào đáy, u tế bào vảy, u tuyến bã... Tiếp xúc với bức xạ cực tím còn gây ra ức chế hệ thống miễn dịch. Cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu suốt đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.

Theo Đời sống
back to top