Người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991 đã bị “bắt” và hộ tống đi vào sáng sớm ngày 1/2, Reuters đưa tin, trích lời Myo Nyunt, phát ngôn viên đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi.
Nyunt nói thêm rằng một số quan chức cấp cao khác, bao gồm cả nhà lãnh đạo chính thức nhà nước - Tổng thống Myanmar Win Myint - cũng bị bắt giữ.
Nyunt nói với Reuters rằng, dự kiến ông cũng sẽ theo bước họ và kêu gọi công chúng kiềm chế phản ứng đối với những diễn biến bất ngờ, có thể khiến người dân vi phạm pháp luật.
“Tôi muốn nói với người dân, đừng phản ứng một cách nóng nảy, hấp tấp và tôi mong muốn nhân dân hành động theo luật pháp” - ông nói.
Theo kết quả cuộc bầu cử này, cơ quan lập pháp lưỡng viện mới được bầu, đảng NDL do bà Suu Kyi lãnh đạo giành được 396 ghế trong tổng số 476 ghế. Cơ quan lập pháp mới sẽ được triệu tập vào hôm nay, ngày 1/2/2021. Trong phiên khai mạc, các nhà lập pháp sẽ bầu tổng thống mới và các phó tổng thống cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.
Kết quả cuộc bỏ phiếu tháng 11/2 giáng một đòn chí mạng vào Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên minh do quân đội hậu thuẫn, buộc phải đấu tranh để giành 33 ghế.
Quân đội kể từ đó đã liên tục chỉ trích kết quả cuộc bầu cử, thúc giục những quan chức thực hiện cuộc bầu cử xem xét lại kết quả kiểm phiếu cuối cùng. Quân đội khẳng định rằng cuộc bỏ phiếu đầy gian lận, tuyên bố rằng tìm thấy bằng chứng về 8,6 triệu phiếu bất thường trong danh sách cử tri.
Nhiều quan chức và nhà phân tích chính trị cho rằng, quân đội có thể hành động để gạt bà Suu Kyi khỏi quyền lực. Những lo ngại xuất phát từ các tuyên bố gần đây của quân đội, được gọi là Tatmadaw, cho thấy Lực lượng vũ trang Myanmar không có kế hoạch từ bỏ những yêu cầu về kết quả bầu cử của mình.
Ngày 26/1, phát ngôn viên Quân đội, chuẩn tướng Zaw Min Tun tuyên bố quân đội sẽ "hành động" nếu những cáo buộc về gian lận bầu cử không được giải quyết. Khi được hỏi liệu tranh chấp có thể dẫn đến một cuộc đảo chính quân sự hay không, Tun trả lời tương đối không rõ ràng, như không loại trừ khả năng này.
“Hãy chờ và theo dõi tình hình,” ông nói thêm. Cảnh báo ngầm được công khai hai ngày trước khi ủy ban bầu cử bác bỏ tuyên bố của quân đội về những bất thường trên diện rộng trong bầu cử ngày 25/1.
Kể từ khi có được quyền lực thực tế năm 2015, tận dụng hình ảnh như một biểu tượng dân chủ nổi tiếng và một biểu tượng quốc tế về kháng chiến hòa bình, Suu Kyi liên tục bị truyền thông phương Tây chỉ trích vì hạ thấp những cáo buộc về việc quân đội thảm sát hàng loạt người Hồi giáo Rohingya, 700.000 người của các dân tộc thiểu số phải chạy trốn sang nước láng giềng Bangladesh.
Phát biểu tại tòa án công lý quốc tế (ICJ) ở The Hague vào tháng 12 năm 2019, Suu Kyi gọi những cáo buộc về tội diệt chủng là “bức tranh thực tế không đầy đủ và gây hiểu lầm” về tình hình trên thực tế tại Myanmar.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án mạnh mẽ việc quân đội Myanmar bắt giữ Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các thành viên khác của đảng cầm quyền.
Phát ngôn viên Tổng thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric, cho biết: "Ông Guterres bày tỏ mối quan tâm đặc biệt về việc tuyên bố chuyển giao tất cả các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cho quân đội.”
Ông Guterres kêu gọi quân đội Myanmar giải quyết mọi khác biệt thông qua đối thoại hòa bình và kêu gọi quân đội tôn trọng kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11.
"Tất cả các nhà lãnh đạo phải hành động vì lợi ích lớn hơn của cải cách dân chủ ở Myanmar, tham gia vào cuộc đối thoại có ý nghĩa, kiềm chế bạo lực và tôn trọng đầy đủ các quyền con người và những quyền tự do cơ bản" - Tổng thư ký LHQ tuyên bố.
Sáng ngày 1/2/2021, Quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp trong một tuyên bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, do Phó Tổng thống thứ nhất Myint Swe, tạm quyền Tổng thống Myanmar ký.
Một video, đăng tải trên mạng xã hội ghi lại một đường phố thủ đô Myanmar Nay Pyi Taw sau khi Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các thành viên khác của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cầm quyền bị bắt giữ. Trên đường phố có rất nhiều các phương tiện quân sự, cho thấy quân đội đang kiểm soát thực tế thành phố.
Hầu hết các chương trình truyền hình bị cắt, lan rộng tin đồn về một cuộc đảo chính quân sự đang được thực hiện, kênh truyền hình Myawaddy TV thuộc sở hữu của quân đội thông báo: Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, sẽ nắm quyền kiểm soát đất nước trong một năm.
Quân đội Myanmar đã kiểm soát toàn bộ chính quyền và sẽ nắm quyền lực trong một năm, đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp do xác định đã diễn ra một cuộc bầu cử gian lận khiến đảng của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng.