<div> <div> <p>Việc làm này liệu có đúng với chỉ đạo không dùng ngân sách giải cứu dự án thua lỗ của Chính phủ? </p> <p>Từ tháng 4.2018 đến nay, dự án Nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ (Nhà máy xơ sợi Đình Vũ) ở Hải Phòng, thuộc Công ty CP hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTEX) đã từng bước hoạt động trở lại sau gần 3 năm “đắp chiếu”. Tính đến tháng 6.2019, PVTEX đã khởi động lại được 12/29 dây chuyền của nhà máy.</p> <p><strong>“Phớt lờ” cảnh báo rủi ro</strong></p> <p>Theo tìm hiểu của Thanh Niên, việc Nhà máy xơ sợi Đình Vũ hoạt động trở lại không phải nhờ nội lực của PVTEX, mà từ khoản tiền lên tới cả trăm tỉ đồng được PVN “bơm” thông qua một kế hoạch được gọi là “giải cứu”.</p> <p>Cụ thể, trong tháng 3 và 4.2018, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV PVN, đã liên tiếp ký các Nghị quyết 1312 và 2327 với nội dung cho phép trong bối cảnh PVTEX chưa bố trí được nguồn vốn thì PVN với vai trò là cổ đông sẽ hỗ trợ tạm ứng có hoàn trả với khoản tài chính khoảng 100 tỉ đồng để Nhà máy xơ sợi Đình Vũ hoạt động trở lại. Các nghị quyết trên được căn cứ theo các công văn đề xuất của ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc PVN (phụ trách dự án PVTEX).</p> <p>Theo đó, số tiền hỗ trợ PVTEX sẽ chia thành nhiều đợt: đợt 1 gần 34 tỉ đồng, được sử dụng gần 23 tỉ đồng để PVTEX trả nợ cho Khu công nghiệp Đình Vũ (DVIZ) theo phán quyết của tòa và một số nhà cung cấp khác; còn lại 11 tỉ đồng là chi phí tối thiểu duy trì hoạt động của nhà máy…</p> <p>Việc tham gia hỗ trợ PVTEX được phân chia trách nhiệm theo tỷ lệ vốn góp cổ đông. Theo đó, PVN góp 74,01%, Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) góp 25,99%. Các khoản hỗ trợ này không tính lãi suất. Thời hạn hoàn trả số tiền này là ngay sau khi PVTEX có nguồn tiền thu được từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, chậm nhất đến hết năm 2022.</p> <p>Trước khi PVN ký ban hành nghị quyết, Ban Kiểm soát nội bộ của PVN đã có báo cáo bằng văn bản cho rằng sẽ có những rủi ro trong trường hợp doanh nghiệp phá sản; PVN sẽ không được ưu tiên hoàn trả khoản hỗ trợ. Chưa kể, Ban Kiểm soát nội bộ của PVN cũng chưa đánh giá tính hợp lý, hợp lệ và mức độ ràng buộc trách nhiệm giữa các bên của thỏa thuận này với quy định của pháp luật hiện hành. Nhưng những lưu ý này đã không được lãnh đạo PVN quan tâm.</p> <p>Đáng chú ý, theo các văn bản đề nghị của ông Lê Mạnh Hùng cũng như các nghị quyết của PVN đã được ông Trần Sỹ Thanh ký ban hành thì nguồn vốn mà PVN dùng để giải cứu Nhà máy xơ sợi Đình Vũ được lấy từ nguồn quỹ Secondee dự án Nghi Sơn (hiện được quản lý trong quỹ phúc lợi của PVN).</p> <p><strong>1 trong 12 dự án thua lỗ đang bị giám sát đặc biệt</strong></p> <p>Quỹ Secondee dự án Nghi Sơn là gì?</p> <p>Theo phản ánh của một số cán bộ ngành dầu khí, đây thực chất là tiền được trích ra trong các hoạt động của các cán bộ, công nhân viên được PVN cử đi làm nhiệm vụ tại Dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa. Sau đó, số tiền phúc lợi này được trả về cho PVN và được Quỹ phúc lợi của PVN quản lý. “Bản chất quỹ phúc lợi là để chăm lo cho người lao động, song lãnh đạo PVN sử dụng để cứu một doanh nghiệp cổ phần là ảnh hưởng đến người lao động PVN và trái với các quy định của nhà nước”, một cán bộ dầu khí nói với Thanh Niên.</p> <p>Để làm rõ thêm các thông tin về nguồn vốn hỗ trợ cũng như hiệu quả sử dụng, PV Thanh Niên đã liên lạc với các bên liên quan. Tuy nhiên, đại diện của PVTEX từ chối với lý do mọi thông tin về dự án sẽ do PVN phát ngôn. Trong khi đó, một cán bộ có trách nhiệm tại PVN cho biết “đang báo cáo xin ý kiến lãnh đạo”, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin.</p> <p>Trả lời Thanh Niên ngày 16.6, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ hiện là 1 trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương đang có sự giám sát đặc biệt của nhiều cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tài chính.</p> <p>“Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã nêu rõ quan điểm mang tính nguyên tắc là không sử dụng tiền ngân sách để cứu các dự án thua lỗ, nên tôi cho rằng các cơ quan chức năng sẽ không bao giờ phê duyệt cho PVN sử dụng ngân sách để giải cứu Nhà máy xơ sợi Đình Vũ”, ông Tiến nói và cho biết PVN chỉ có thể áp dụng các biện pháp như bảo lãnh, hoặc huy động vốn và trách nhiệm từ các cổ đông khác. Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cũng đã đề nghị Thanh Niên cung cấp thông tin liên quan nguồn quỹ Secondee để phối hợp với Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, xử lý.</p> <p>Năm 2007, PVN ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn dệt may VN thực hiện dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ. Hai bên thống nhất lập ra pháp nhân PVTEX để quản lý dự án, đồng thời làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 324,8 triệu USD, nhưng đến khi hoàn thành đội vốn lên 363 triệu USD. Theo tính toán, dự án sẽ hoàn vốn sau thời gian 8 năm 8 tháng. Tuy nhiên, kết quả sản xuất của dự án từ khi chạy thử cho đến lúc vận hành thương mại đều liên tục lỗ. Tổng lỗ trong 3 năm (2012 - 2014) là 1.472 tỉ đồng; đến cuối năm 2015 thì nhà máy dừng hoạt động hẳn.</p> <p>Từ cổ đông sáng lập chỉ có 39% vốn điều lệ, PVN đã liên tục bỏ tiền ra mua lại cổ phần từ các cổ đông khác trái với chỉ đạo của Chính phủ. Tính đến năm 2014, 100% vốn góp tại PVTEX là của PVN và các đơn vị thành viên, dẫn đến phải gánh 100% khoản thua lỗ gần 1.500 tỉ đồng của dự án. Quá trình thanh tra dự án, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm có dấu hiệu hình sự nên đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra.</p> </div> </div>