Rò rỉ hóa chất nguy hiểm vào môi trường
Xe điện được ca ngợi là một trong những công nghệ chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng một nghiên cứu mới tuyên bố rằng công nghệ tái chế đang vật lộn để theo kịp. Điều này dẫn đến hàng ngàn tấn chất thải của pin chưa được xử lý tích tụ lại và có khả năng làm rò rỉ các hóa chất nguy hiểm vào môi trường. Trong báo cáo, các nhà khoa học từ Đại học Birmingham (Anh) kêu gọi các chính phủ và ngành công nghiệp phải "hành động ngay để phát triển một kế hoạch tái chế mạnh mẽ, có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai".
TS Gavin Harper, tác giả nghiên cứu cho biết, nếu không có sự phát triển công nghệ tái chế lớn, hàng triệu chiếc xe điện được bán sẽ tạo ra 250.000 tấn chất thải pin chưa được xử lý trong suốt tuổi đời của chúng. Theo nghiên cứu này, việc tái chế không hề đơn giản vì có sự đa dạng về các chất hóa học, hình dạng và thiết kế của pin lithium-ion được sử dụng cho xe điện. Để tái chế các pin này một cách hiệu quả, chúng phải được tháo rời và các dòng chất thải được phân tách thành các bộ phận cấu thành của chúng.
TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa, Đèn tiết kiệm năng lượng cho biết, hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí đang báo động ở hầu khắp các đô thị, thành phố, xung quanh các nhà máy nhiệt điện. Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang khiến con người phải chịu nhiều hệ lụy. Trong khi đó năng lượng mặt trời, năng lượng sạch vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, và là xu hướng trong tương lai.
Loại năng lượng nào cũng có hai mặt, vấn đề là phải cân nhắc mặt được và chưa được để xem cái nào tốt hơn. Chọn loại xe nhiều khí thải, tiếng ồn, bụi bặm hay loại xe không khí thải? Từ đó, tìm giải pháp để khắc phục những yếu điểm của loại có nhiều ưu điểm hơn, chứ không thể đánh đồng là loại xe nào cũng không tốt cho môi trường.
Có thể tái chế được
Theo TS Nguyễn Văn Khải, sử dụng năng lượng sạch và ắc quy ở các đô thị, tiếng ồn sẽ giảm đáng kể, ô nhiễm không khí sẽ được khắc phục, do đó vẫn cần phải khuyến khích người dân sử dụng. Mới đây tại hội thảo về xu hướng sử dụng năng lượng sạch do ĐH Xây dựng Hà Nội tổ chức, nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi về vấn đề tái chế ắc quy, pin mặt trời đã qua sử dụng thế nào. Hiện nay ở Việt Nam, người ta vẫn đang tái chế, và có thể tái chế được các loại pin cũ, kể cả pin nước và pin khô, pin xe điện và pin năng lượng. .
Đối với pin cũ, người ta sẽ lọc nhựa riêng, bản cực riêng, kim loại đầu bản cực, chất dung môi… tách ra riêng biệt và tái chế theo từng mục đích sử dụng. Ví dụ như với dung môi, người ta có thể lọc đi và tái sử dụng vào những cục pin mới, hay nhựa có thể dùng tái chế các vật dụng khác. Vấn đề ở đây là tái chế phải đảm bảo các quy định về môi trường, không xả thải bừa bãi ra môi trường như hiện nay chúng ta vẫn đang làm. Có như thế thì mới tận dụng được pin thải để giúp bảo vệ môi trường. Pin xe điện cũng hoàn toàn có thể tái chế theo cách này mà không cần phải lo lắng đến vấn đề ô nhiễm.
Những chiếc ắc quy hiện đại ngày nay có tuổi thọ khá cao, có thể nạp và sạc điện lên đến 6000 lần, thay vì chỉ có 2000 lần như trước đây, nên việc tái chế, sử dụng, khuyến khích sử dụng động cơ điện vẫn là vấn đề cần làm.