Sâu răng là tình trạng bề mặt răng hoặc men răng bị tổn thương do những vi khuẩn trong miệng tạo ra axit và tấn công men răng, tạo thành những khuyết hổng trên răng. Nếu không được điều trị, người bệnh sẽ bị đau nhức, nhiễm trùng, áp xe vùng quanh răng, thậm chí là mất răng.
Nguyên nhân gây sâu răng
Sâu răng được hình thành từ những mảng bám hay cao răng chứa các vi khuẩn gây hại bám trên bề mặt răng. Khi bạn ăn hoặc uống thực phẩm chứa nhiều đường thì những vi khuẩn này sẽ tiêu hóa và sản sinh ra axit. Axit bám trên bề mặt răng sẽ từ từ phá vỡ lớp men răng ngoài cùng có vai trò bảo vệ răng.
Khi có sự xuất hiện các lỗ hổng trên men, răng sẽ dần hình thành lỗ sâu. Ban đầu sâu răng hình thành ở lớp men răng và tiếp theo nó sẽ tấn công sâu hơn vào cấu trúc bên dưới là ngà răng, thậm chí có thể tiến sâu vào đến tận tủy răng.
Các triệu chứng khi bị sâu răng
– Ban đầu, sâu răng thường không có triệu chứng, một số trường hợp cảm thấy khó chịu mắc thức ăn hoặc hơi thở hôi. Dần dần răng sẽ trở nên nhạy cảm hơn, đặc biệt là với đồ lạnh, đồ nóng hoặc đồ ngọt.
– Xuất hiện các vết màu trắng hoặc nâu đen xuất hiện trên bề mặt răng
– Lỗ hổng trên răng dần rộng và sâu hơn
– Nếu không được can thiệp kịp thời răng có thể cảm thấy đau nhức và tình trạng đau sẽ ngày càng tăng lên.
– Sâu răng nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, áp xe quanh răng, viêm tấy lan tỏa, biến chứng toàn thân…. gây sưng tấy vùng mặt, có thể có sốt, từ đó dẫn đến các tình trạng sức khỏe tồi tệ khác như mất ngủ, ăn không được, đau đớn, suy nhược…
Răng sâu đem đến rất nhiều phiền toái, khiến người bệnh ăn không ngon, đau đớn kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. |
5 biện pháp điều trị sâu răng hiệu quả
Răng sâu gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Có nhiều phương pháp điều trị sâu răng hiệu quả tùy thuộc vào mức độ bị sâu của răng. Dưới đây là 5 biện pháp điều trị sâu răng hiệu quả tùy thuộc vào mức độ bị sâu của như:
– Điều trị bằng florua: Đây là phương pháp được áp dụng khi sâu răng ở giai đoạn sớm, florua sẽ giúp men răng tự phục hồi.
– Trám răng: Khi sâu răng mới ở giai đoạn đầu, lỗ sâu còn nhỏ, nha sĩ sẽ loại bỏ mô răng bị sâu và phục hồi răng lỗ khuyết bằng cách sử dụng vật liệu trám chuyên dụng.
– Điều trị tủy và làm phục hình tái tạo lại thân răng khi sâu răng gây viêm tủy , viêm quanh cuống.
– Nhổ răng: Với những trường hợp nghiêm trọng, chiếc răng sâu đã được bác sĩ đánh giá là không thể hồi phục thì bạn sẽ cần phải nhổ bỏ răng.
– Thay thế răng đã mất: Sau khi nhổ răng, bác sĩ sẽ tư vấn bạn có thể thay thế chiếc răng đã mất bằng cách làm cầu răng, răng tháo lắp hoặc cấy ghép implant.
Biện pháp phòng ngừa sâu răng
Để phòng ngừa sâu răng, bác sĩ khuyên bạn nên thực hiện một số biện pháp sau:
– Đánh răng bằng loại kem có chứa Fluoride để vệ sinh răng miệng sau mỗi lần ăn uống. Đặc biệt, cần đánh răng mỗi ngày ít nhất hai lần (buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy).
– Dùng chỉ nha khoa hoặc bàn chải đánh răng có đầu nhỏ để vệ sinh các kẽ răng. Hạn chế sử dụng tăm vì đầu tăm thường to nên rất dễ gây chảy máu chân răng và tụt lợi.
– Nên sử dụng nước súc miệng có chứa Fluoride để làm sạch miệng nhanh sau những bữa ăn nhẹ.
– Khám và lấy cao răng định kỳ 6 tháng – 1 năm 1 lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng phát hiện những bệnh lý về răng miệng sớm và điều trị kịp thời.
– Hạn chế ăn vặt, đặc biệt là những đồ ăn ngọt, chứa nhiều đường (như bánh, kẹo,…), hoặc các loại nước uống có gas. Vì chúng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và tấn công răng miệng.
– Nên ăn những thực phẩm tốt cho răng, hạn chế sử dụng những thức ăn quá cứng hoặc dễ bám dính trong kẽ răng.
– Uống đủ nước, đặc biệt sử dụng nước ngay sau ăn
– Sử dụng kẹo cao su xylitol kết hợp với Fluoride để giảm thiểu nguy cơ sâu răng.
Sâu răng tấn công răng trong âm thầm, thường không nhận biết được khi mới bị. Răng sâu có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Do đó, bạn nên kiểm tra và làm sạch răng định kỳ, ngay cả khi chưa có triệu chứng răng miệng. Nếu thấy xuất hiện những vấn đề đầu tiên về răng, cần đến các cơ sở y tế nha khoa để được kiểm tra và có hướng xử lý đúng theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe, tránh những biến chứng không mong muốn.
ThS.BSCKII Lê Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ