Phường Nhân Chính (Thanh Xuân): Lấn chiếm đất công kéo dài, chính quyền có “nhắm mắt làm ngơ”?

(khoahocdoisong.vn) - Diện tích đất công tại ngõ 3, phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có dấu hiệu xây dựng trái phép. Nhưng đại diện phường Nhân Chính thì phân trần, rằng “đây là tồn tại do lịch sử để lại, không phải nói dỡ là dỡ được”?

Chính quyền: Có vi phạm, nhưng...? 

Theo phản ánh, nhiều năm qua, tại khu tập thể công ty xây lắp nằm ở cuối ngõ 3 phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã diễn ra tình trạng một số hộ dân chiếm dụng đất công do UBND phường Nhân Chính đang quản lý và xây dựng nhà ở, lều lán trái phép, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự, phá vỡ quy hoạch chung của dự án đã được TP Hà Nội phê duyệt.

Theo phản ánh, người dân nơi đây bức xúc, hộ gia đình ông M. - bảo vệ tổ dân phố - đã lấn chiếm hàng chục m2 đất công, đất lưu không của khu tập thể, quây lợp tôn, proximăng làm chỗ ở và chuồng trại nuôi gà, tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, vi phạm đất đai tại khu vực trên diễn ra công khai, kéo dài nhiều năm, nhưng không thấy kết quả xử lý của chính quyền địa phương.

Một phần hiện trạng khu đất công tại ngõ 3, phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội) bị các hộ dân lấn chiếm, sử dụng sai mục đích nhiều năm qua.

Một phần hiện trạng khu đất công tại ngõ 3, phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội) bị các hộ dân lấn chiếm, sử dụng sai mục đích nhiều năm qua.

Để có thông tin khách quan, đa chiều, phóng viên đã đến liên hệ và đặt lịch làm việc tại UBND quận Thanh Xuân, UBND phường Nhân Chính.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính thừa nhận: “Tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất tại khu vực trên đã tồn tại từ rất lâu rồi, từ năm 2017 tôi về phường đã có rồi. Nguồn gốc khu đất này vừa là đất công vừa là một phần đất của công ty xây lắp. Năm 2015, UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho Công ty Tài Tâm để thực hiện xây dựng dự án nhà chung cư cho cán bộ, công nhân viên chức quận Thanh Xuân với diện tích khoảng 2.000m2. Hiện trạng khu đất này hiện vẫn đang được giữ nguyên. Hiện nay, dự án vẫn đang trong quá trình xin chủ trương pháp lý, chưa được giao quyết định để triển khai thực hiện”.

Về quan điểm xử lý của UBND phường Nhân Chính trước tình trạng lấn chiếm tại khu vực trên, ông Tùng cho rằng: “Tất cả các công trình vi phạm này đều nằm trên đất dự án. Do vậy, để giải tỏa các công trình vi phạm, lấn chiếm tại khu vực này, cũng phải lập hồ sơ, qua rất nhiều quy trình, công đoạn chứ không phải nói dỡ là phá dỡ của người ta được vì tất cả do lịch sử để lại, tồn tại từ rất lâu rồi. Trong thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục quản lý hiện trạng khu đất trên, khi nào có chỉ đạo của cấp trên, UBND phường sẽ phối hợp với các cấp để tiến hành giải tỏa các công trình vi phạm này”.

Đáng nói, khi phóng viên đề nghị cung cấp các văn bản pháp lý liên quan đến khu đất trên, ông Tùng lại cho hay: “Tôi sẽ cho kiểm tra lại nội dung này”?

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”?

Trước đó, liên quan đến những sai phạm về đất đai, thời gian qua, chính quyền TP Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp xử lý, khắc phục, trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Cụ thể, Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố của UBND TP Hà Nội nêu rõ: Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra. Địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.

Tiếp đó, ngày 4/1/2016, tại Công văn số 06/UBND-XDGT về việc tăng cường quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đô thị, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, chính quyền thành phố cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thống kê, rà soát các trường hợp vi phạm và có kế hoạch xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm nổi cộm, gây bức xúc. Đặc biệt, các địa phương phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc quản lý TTXD trên địa bàn; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; đội trưởng đội thanh tra xây dựng tại địa bàn để xảy ra nhiều công trình vi phạm, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho chủ đầu tư vi phạm TTXD…

Tháng 5/2019, UBND TP Hà Nội tiếp tục có văn bản gửi các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu siết lại kỷ cương, TTXD trên địa bàn, trong đó nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý TTXD tại địa phương là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, người đứng đầu các xã, phường nếu để xảy ra vi phạm về TTXD trên địa bàn sẽ bị đình chỉ công tác.

Ngoài ra, tại Điều 208 Luật Đất đai 2013, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai cũng được quy định rõ: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Quy định là thế, nhưng phải chăng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội lại không hề có “tác dụng” đối với lãnh đạo tại phường Nhân Chính nói riêng và quận Thanh Xuân nói chung trong công tác xử lý các sai phạm về sử dụng đất đai và TTXD? Dư luận nghi vấn, trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản lý địa phương, nhất là người đứng đầu địa bàn ở đâu? Ai đã phê duyệt cấp giấy phép cho các hộ dân xây dựng trên đất công? Tại sao tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép tại khu vực trên đã tồn tại thời gian dài mà không thấy các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý?

KH&ĐS sẽ tiếp tục thông tin!

Theo Đời sống
back to top