Màn khởi công thần tốc
Ngày 14/2/2019, Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại (Công ty Phương Anh) làm lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình. Đây là dự án mà công ty vừa được tỉnh Thái Bình phê duyệt chọn làm nhà đầu tư chỉ một ngày trước đó.
Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài 35,5 km, điểm đầu tại Km9+00, giao với Quốc lộ 37 mới tại Km2+384,15, điểm cuối tại Km44+500, vận tốc thiết kế 80 km/h, đấu nối với cầu vượt sông Hồng tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải. Dự án có hạng mục xây dựng cầu vượt sông Hồng dài khoảng 2,195 km đấu nối vào tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định.
Dựán có tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng, tức là suất đầu tư bình quân phân bổ vào khoảng gần 110 tỷ đồng/km. Thời gian thực hiện dự án trong khoảng từ năm 2018 - 2021, thời gian thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư là 23 năm 3 tháng. Cơ cấu vốn thực hiện dự án phân chia khá cân bằng. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách Trung ương rót vào dự án khoảng 1.100 tỷ đồng (đã bao gồm 10% dự phòng). Vốn nhà đầu tư huy động là 1.291 tỷ đồng. Còn lại 1.593 tỷ đồng được huy động từ địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Nguồn đối ứng cho nhà đầu tư không trả bằng đất như nhiều dự án BT tại địa phương khác. Theo đó, vốn thanh toán cho nhà đầu tư bố trí từ nguồn trái phiếu chính phủ và nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2016 – 2020.
Điểm đáng lưu ý, ngày 13/02/2019 UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt kết quả chọn Công ty Phương Anh là nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án. Chỉ một ngày sau, ngày 14/02/2019, Công ty Phương Anh đã kịp tổ chức Lễ Khởi công dự án tại tỉnh Thái Bình. Để được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện Dự án này, Công ty Phương Anh đã vượt qua đối thủ tầm cỡ khác. Đó là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành – “ông lớn” trong lĩnh vực BOT giao thông.
Đây không phải là dự án nghìn tỷ đầu tiên mà Công ty Phương Anh được thực hiện tại tỉnh Thái Bình. Trước đó, nhà đầu tư này cũng được lựa chọn thực hiện dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, với quy mô vốn đầu tư lên đến gần 5.000 tỷ đồng.
Dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt vào tháng 1/2010, điều chỉnh, bổ sung ngày 20/6/2014, tổng mức đầu tư được điều chỉnh là 4.281 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 27/12/2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết chấp thuận điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 4.281 tỷ đồng lên 4.721 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án này đến hết ngày 31/12/2017. Ngày 27/02/2018 UBND tỉnh Thái Bình cũng đã phê duyệt điều chỉnh dự án. Thông tin cần lưu ý là năm 2017, Thanh tra Bộ KHĐT đã nêu hàng loạt sai phạm trong công tác phê duyệt đã làm tăng tổng mức đầu tư tại dự án này hơn 1.400 tỷ đồng.
“Hệ sinh thái” kín tiếng
Tìm hiểu về Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh cho thấy, đây là doanh nghiệp đăng ký trụ sở chính tại Tổ dân phố 6, phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Doanh nghiệp này có một số chi nhánh tại Hà Nội, Thái Bình và một số tỉnh miền Trung.
Doanh nghiệp này hiện do bà Hoàng Thị Phương (SN 1959) làm Tổng Giám đốc và giữ vai trò là người đại diện theo pháp luật. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của bà Phương cũng chính là vị trí đặt trụ sở chính của doanh nghiệp này.
Các thành viên góp vốn vào Công ty Phương Anh đều là phái nữ, đó là chi tiết khá thú vị tại doanh nghiệp chuyên làm hạ tầng giao thông này. Theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 05/06/2017, vốn điều lệ của Công ty Phương Anh được điều chỉnh tăng từ 1.256 tỷ đồng lên 2.267 tỷ đồng, số thành viên góp vốn cũng tăng lên. Ban đầu doanh nghiệp này do bà Hoàng Thị Phương và bà Ngô Thị Phương Lan (SN 1984) thành lập, sau đó xuất hiện thêm bà Trần Thị Linh (SN 1989) cũng là thành viên góp vốn.
Theo cơ cấu góp vốn, bà Hoàng Thị Phương đăng ký góp 1.430 tỷ đồng, nắm 63,093% vốn điều lệ, bà Ngô Thị Phương Lan đăng ký góp 536,69 tỷ đồng, chiếm 23,674% vốn điều lệ, và bà Trần Thị Linh đăng ký góp 300 tỷ đồng, tương đương 13,233% vốn điều lệ của công ty.
Lưu ý là, bà Ngô Thị Phương Lan và bà Trần Thị Linh cũng là thành viên tham gia góp vốn thành lập Công ty TNHH xây dựng Vương Quốc Anh (Vương Quốc Anh). Đây là công ty đứng trong liên danh với Công ty Phương Anh và Công ty TNHH Môi trường và Xây dựng Thái Sơn được chỉ định làm nhà đầu tư thực hiện dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên – Gia Lai đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên. Dự án này thực hiện theo hợp đồng BT, với tổng mức đầu tư 4.662 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Công ty Vương Quốc Anh đăng ký trụ sở chính tại địa chỉ Tổ dân phố 6, phường Thanh Trường, TP Điện Biên hiện, do bà Trần Thị Linh làm Giám đốc và đại diện theo pháp luật. Trước đó, vị trí này đã từng thuộc về bà Nông Hồng Viết (SN 1988) - dân tộc Tày và ông Ngô Quốc Anh (SN 1985).
Theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 26/05/2014, bà Ngô Thị Phương Lan đăng ký góp 27,5 tỷ đồng tương đương 41,985 vốn điều lệ tại Công ty Vương Quốc Anh, bà Trần Thị Linh đăng ký góp 13 tỷ đồng, tương đương với 19,85% vốn điều lệ, và cá nhân bà Nông Hồng Viết đăng ký góp 25 tỷ đồng, tương đương với 38,17% vốn điều lệ.
Ngoài ra, Công ty Phương Anh còn là chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên – Gia Lai, đó là Công ty TNHH Đầu tư BT Phú Yên - Gia Lai có số vốn điều lệ tính đến ngày 24/05/2018 là 250 tỷ đồng. Doanh nghiệp này hiện do ông Đào Hải Linh (SN 1982) làm Giám đốc, kiêm người đại diện theo pháp luật.
Riêng cá nhân bà Ngô Thị Phương Lan còn là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư mua bán nợ Việt Nam. Cả bà Ngô Thị Phương Lan, Trần Thị Linh, Nông Hồng Viết, Đào Hải Linh đều đăng ký thường trú tại Khu đô thị mới Đại Kim, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Còn bà Hoàng Thị Phượng (SN 1959) và cá nhân ông Ngô Quốc Anh đăng ký hộ khẩu thường trú tại tổ dân phố 6, phường Thanh Trường, TP Điện Biên. Đây cũng là địa chỉ trụ sở chính của Công ty Phương Anh. Ông Ngô Quốc Anh hiện đang giữ vai trò là Giám đốc của doanh nghiệp dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình – đó là Công ty TNHH Đầu tư PPP Đường ven biển Thái Bình.
Có thể thấy, Công ty Phương Anh với “hệ sinh thái” các doanh nghiệp liên quan đang hoạt động khá rầm rộ trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, với quy mô các dự án lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Quy mô ấy dường như không tương xứng với danh tiếng kín đáo của doanh nghiệp có chủ sở hữu gồm toàn nữ doanh nhân này.