Phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT có sợ “may, rủi”?

(khoahocdoisong.vn) - Chỉ một số điểm nhỏ có thể thay đổi kết quả xét tuyển vào trường đại học, nhiều thí sinh muốn phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT nhưng lại sợ yếu tố "may, rủi", đặc biệt là sợ bị hạ điểm, thay vì tăng như mong đợi.

Chỉ phúc khảo nếu thấy bài làm tốt hơn kết quả nhận được

Thí sinh Vũ Minh Anh (Hà Nội) từ khi biết điểm thi rất buồn. Điểm môn Ngữ văn theo em dự đoán, em phải được 8 điểm trở lên. Nhưng khi nhận điểm lại chỉ được 7 điểm.

“Em thấy khó tin, bởi vì hai cậu bạn chơi với em, học kém môn Văn hơn em nhiều. Vậy mà cả hai bạn đều điểm cao hơn em tới hơn 1 điểm. Em sợ có sự nhầm lẫn ở đây”, Minh Anh tâm sự.

Minh Anh muốn phúc khảo bài thi môn Ngữ văn, bởi thêm điểm là thêm cơ hội đỗ vào nguyện vọng trường mà em yêu thích. Tuy nhiên, em cũng sợ, nhỡ điểm phúc khảo bài thi không lên mà lại tụt xuống thì lại thành ra “tự hại mình”.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Có nên phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT, phúc khảo bài thi có nhiều cơ hội thay đổi điểm không, việc chấm thi có minh bạch không... là băn khoăn của nhiều thí sinh, đặc biệt là đối với bài thi môn Ngữ văn, một môn được cho là phụ thuộc vào nhiều quan điểm chấm của các thầy cô.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ThS, cô giáo Đặng Liễu (Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) cho biết, trong trường hợp thí sinh rà soát lại đáp án, thấy bài của mình có kết quả tốt hơn kết quả các em đã nhận được, thì nên phúc khảo bài thi. Điều này, cũng để tránh tâm lý nuối tiếc, băn khoăn. Thực tế, cũng đã có thí sinh lên được điểm sau khi phúc khảo. Lý do đến từ việc giáo viên có thể chấm sót ý của thí sinh, hoặc cộng, vào nhầm điểm; hoặc thí sinh tô sai mã đề...

Tuy nhiên, các em cần chủ động, nên tìm hiểu các ngành, trường trong khả năng điểm hiện có của mình, để điều chỉnh nguyện vọng cho hợp lý, “an toàn”. Tránh trông chờ quá nhiều vào điểm phúc khảo bài thi, dẫn tới bị động. Bởi trường hợp thí sinh được tăng điểm sau khi phúc khảo là có, nhưng thường ở những trường hợp do những "sự cố đặc biệt" như tô sai mã đề, còn đa số bài thi sẽ giữ nguyên điểm.

Một giáo viên cho biết, đúng là điểm thi môn Ngữ văn có phụ thuộc vào quan điểm chấm của giám khảo. Nhất là khi đáp án đề thi Ngữ văn năm nay của Bộ GD&ĐT sơ sài, tuy nhiên, trong trường hợp vênh lệch điểm dưới 1 điểm, hai giám khảo tự thỏa thuận, điểm thi đa số nghiêng về số giám khảo chấm cao điểm hơn. Mà điểm này, là do giám khảo đã “gạn đục khơi trong”, chạm ý là cho điểm. Cho nên, việc để sót ý của thí sinh là rất hiếm.

Trong tình huống vênh lệch giữa hai giám khảo từ 1,0 điểm trở lên, đến 1,5 điểm, hoặc trên 1,5 điểm thì chấm lần 2, lần 3, có sự tham gia của Trưởng môn chấm thi hoặc Tổ trưởng tổ chấm thi. Việc để sót ý của thí sinh dẫn đến thí sinh mất điểm cũng hãn hữu.

Nếu có sai sót, thì thường ở khâu cộng, vào điểm. Nhưng với quy trình nghiêm ngặt như hiện nay, việc này cũng được rà soát rất kỹ, qua nhiều khâu, nên cũng rất hiếm khi xảy ra.

Không có yếu tố “may, rủi” khi phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT

Quy trình chấm thi phúc khảo theo quy định của Bộ GD&ĐT như sau: Đối với các bài thi với hình thức trắc nghiệm:

Chỉ được chấm lại các bài thi khi có đủ hội đồng thành viên chấm phúc khảo và những người làm nhiệm vụ giám sát.

Đối chiếu từng câu hỏi của mỗi bài với đáp án thí sinh tô trên phiếu trả lời với những kết quả được lưu trong máy tính.

Sau khi đối chiếu, nếu phát hiện sai lệch thì ban tổ chức sẽ in phiếu chấm điểm từ phần mềm chấm thi trước và sau khi sửa để lưu lại hồ sơ và xác định các lý do dẫn đến sự chênh lệnh đó. Nếu có chênh lệch thì điểm sau khi chấm lại chính là kết quả thực của bài thi.

Đối với những bài thi theo hình thức tự luận: Hội đồng chấm thi sẽ tuân thủ theo quy trình có sẵn và đảm bảo đúng nguyên tắc độc lập giữa hai người khi chấm; sử dụng màu mực khác với màu mực trước đó để dễ dàng phân biệt.

Nếu hai người cùng có kết quả chấm phúc khảo như nhau thì lấy kết quả này làm điểm chính thức còn nếu chênh lệnh nhau thì người đứng đầu tổ chức phải lấy bài thi đó ra chấm bằng màu mực thứ ba. Cuối cùng nếu cả ba kết quả đó khác nhau thì điểm chính thức được tính bằng cách lấy trung bình cộng về điểm số của ba người vừa chấm rồi làm tròn đến hai chữ số thập phân.

Nếu bài phúc khảo chênh lệch so với kết quả ban đầu là 0,25 thì điều chỉnh và công bố điểm cho thí sinh. Nếu chênh lệch lên đến 0,5 điểm thì hội đồng chấm phúc khảo phải tổ chức đối thoại trực tiếp với cán bộ chấm thi đợt đầu và xử lý đúng quy định nếu thấy có biểu hiện gian lận.

“Nhiều em sợ rằng, khi phúc khảo sẽ có yếu tố may, rủi, nhưng với quy trình chấm phúc khảo rất chặt chẽ, nếu thực sự bị nhầm lẫn ở khâu vào điểm, hoặc chấm sai, điểm bài thi sẽ được điều chỉnh cho đúng. Còn nếu không, cũng sẽ không thể thay đổi được điểm. Chứ không phải do yếu tố may hay rủi. Còn việc thí sinh lo sợ sẽ “tụt” điểm, thì rất hiếm khi xảy ra”, một giám khảo cho biết.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mọi thí sinh đều có quyền làm đơn phúc khảo bài thi. Thí sinh muốn phúc khảo cần làm đơn phúc khảo và nộp hồ sơ tại nơi đăng ký thi từ ngày 26/7 đến hết ngày 5/8/2021.

Sau khi kết thúc thời gian nộp đơn phúc khảo thì các điểm thi sẽ thực hiện tổ chức chấm thi đối với các bài thi có yêu cầu. Cụ thể thời gian hoàn thành chậm nhất ngày 16/8/2021. Việc chấm thi được diễn ra và khi phúc khảo, điểm thi của thí sinh có thể được thay đổi theo cả 3 diễn biến: Điểm tăng, điểm giảm, điểm được giữ nguyên

Hội đồng thi sau khi chấm thi phúc khảo sẽ tiến hành kiểm tra xem xét và phải công bố kết quả phúc khảo cho thí sinh chậm nhất ngày 20/8/2021.

Thí sinh không phải nộp lệ phí cho việc phúc khảo bài thi.

Theo Đời sống
back to top