Phú Thọ: Hòa Phát "được" gà, dân mất sinh kế

(khoahocdoisong.vn) - Phê duyệt dự án chăn nuôi bò, nhưng chủ đầu tư đã chuyển sang nuôi gà trứng. Đã thế, dự án hoạt động, nhưng lại chưa có chỗ xử lý thải, và thế là người dân quanh dự án “hưởng đủ” mùi từ chất thải của dự án.
Trại gà Hòa Phát tại Phú Thọ.

Trại gà Hòa Phát tại Phú Thọ.

Đó là thực tế đang diễn ra tại Dự án chăn nuôi gà giống trứng và gà đẻ trứng thương phẩm sản xuất trứng gà sạch tại xã Đồng Lương của Công ty TNHH một thành viên gia cầm Hòa Phát Phú Thọ. Theo giới thiệu ngay cổng công ty, đây là thành viên của Tập đoàn Hòa Phát.

Ô nhiễm nặng nề

Những ngày qua, người dân xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ vô cùng bất an khi cá trong hồ Ngả Hai có hiện tượng chết trắng mặt nước.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, người dân nuôi cá tại hồ, hiện tượng cá chết xuất hiện từ lâu, tuy nhiên chỉ chết lác đác một số loại cá. Nhưng đến ngày 13/10, cá bắt đầu chết nhiều.

Ông Thành cho biết thêm, hồ này trước đây thuộc Công ty chè Phú Thọ. Nhiều hộ dân đã ký hợp đồng thuê mặt hồ để nuôi cá với hình thức đánh tỉa thả bù. Bình quân, mỗi năm thu khoảng 50 – 60 tấn cá, tương đương 2 tỷ đồng/năm.

Trước đây, cả khu vực quanh hồ là các rừng cây cao su. Năm 2016, UBND tỉnh Phú Thọ có chủ trương giao 200ha đất khu vực này cho Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ (Công ty Hòa Phát) để thực hiện dự án chăn nuôi bò và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

Cống xả thải trực tiếp từ nhà máy.

Cống xả thải trực tiếp từ nhà máy.

Tuy nhiên, đến nay, dự án được quy hoạch lại, chuyển từ nuôi bò sang nuôi gà trên diện tích 40ha. 160ha còn lại trở thành đất trống, đồi trọc. Đến đầu năm 2018, dự án chăn nuôi gà giống trứng và gà đẻ trứng thương phẩm, sản xuất trứng gà sạch của Công ty Hòa Phát đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, dù xây xong trại nuôi gà và vận hành, nhưng Công ty Hòa Phát lại không xây dựng khu xử lý chất thải từ hoạt động chăn nuôi, mà đào các hố xung quanh trang trại để chứa phân thải. Mỗi hố có diện tích khoảng hơn 100m2, và sâu từ 7 – 10m.

Theo phản ánh của người dân, do không có quy trình xử lý thải đúng cách, nên các hố phân này luôn bốc mùi hôi thối. Người dân sống xung quanh dự án luôn trong tình trạng ăn không ngon, ngủ không yên, luôn trong tình trạng đóng kín cửa để tránh mùi hôi thối và… ruồi. Sau khi người dân có ý kiến, Công ty Hòa Phát đã đất lấp các hố này, nhưng theo người dân phản ảnh, chất thải từ trại gà lại xả thẳng ra hồ.

Ngày 15/10, có mặt trực tiếp tại khu vực, phóng viên nhận thấy, chỉ trong một đoạn bờ hồ tiếp giáp với trang trại, có ít nhất 6 cửa xả thải thẳng xuống hồ. 

Theo ông Thành, chất thải xả trực tiếp này là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt. Theo người dân phản ánh, từ lúc 19 giờ ngày 14/10, ban đầu mới chỉ vài con, nhưng đến ngày 15/10, cá chết với lượng lớn, nổi dày đặc quanh mặt hồ cùng với những váng màu xanh, bốc mùi hôi thối.

Nuôi cá không phải nghề duy nhất chịu thiệt hại từ trại gà của Hòa Phát. Anh Nguyễn Đình Mạnh, một người dân cho biết, quanh khu vực này trước đây có trên 200 hộ dân thì có trên 150 hộ nuôi tằm. Nghề nuôi tằm cho thu nhập mỗi tháng ổn định khoảng 20 triệu đồng.

Từ lúc trang trại gà đi vào hoạt động, ruồi kéo về nhiều, Công ty Hòa Phát đã phun thuốc diệt ruồi. Tuy ruồi có đỡ, nhưng thuốc diệt ruồi cũng diệt luôn cả tằm. Các bể chứa chất thải của công ty ảnh hưởng cả đến mạch nước ngầm."Nước giếng lấy lên đều bốc mùi hôi thối không thể sử dụng được. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn, đến cả những thế hệ sau”, anh Nguyễn Đình Mạnh bức xúc nói.

Phạt, và… ô nhiễm tiếp

Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân ô nhiễm khiến cá chết tại hồ Ngả Hai, ông Vi Tiến Cường, Chủ tịch UBND xã Đồng Lương cho biết, lý do từ việc hồ sinh học của Công ty Hòa Phát bị vỡ, dẫn đến chất thải (phân gà) chảy xuống hồ Ngả Hai.

Oái oăm là, "hồ sinh học" mà ông Cường thông tin chính là những hố chứa phân gà phía sau trại chăn nuôi của Công ty Hòa Phát. Ông Cường khăng khăng khẳng định, nhà máy không có những hố chứa phân và chất thải, mà chỉ có "hồ sinh học".

Theo lời ông Cường, năm 2018, ông đã vào công ty khảo sát và đó là những bể sinh học chứa nước thải, có hệ thống hầm Bioga, còn hiện tại Công ty Hòa Phát đã có nhà máy xử lý phân. Chủ tịch UBND xã Đồng Lương khẳng định chắc nịch: “Công ty Gia cầm Hòa Phát cũng phải đảm bảo rất là nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường, cái này chắc là trong báo cáo gửi UBND tỉnh sẽ có”.

Còn theo ông Phạm Ngọc Chính – Trưởng phòng hành chính Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ: “Mới đây, Công ty đã xây dựng khu chứa phân và xử lý phân với diện tích 10.000m2. Còn trước đó, phân gà được tập trung ra nền bê tông ngoài trời không có mái che hay tường ngăn thậm chí để cả ra những khu vực đất trống”.

Những "bể sinh học" chứa thải của Công ty Hòa Phát.

Những "bể sinh học" chứa thải của Công ty Hòa Phát.

Được biết, ngày 14/7/2017, UBND tỉnh Phú Thọ đã có Quyết định số 1682/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ dự án, trong đó nêu rõ yêu cầu: “Chất thải rắn phải được thu gom, lưu giữ và xử lý theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản khác có liên quan”. Tuy nhiên, Công ty Hòa Phát đã tiến hành sản xuất khi chưa xây dựng được khu xử lý chất thải. Khi có kiến nghị, phản ánh của người dân thì áp dụng biện pháp tình huống tập kết, vận chuyển phân đi nơi khác nên không thể xử lý dứt điểm. 

Ngày 16/11/2018, Công an tỉnh Phú Thọ từng ra Quyết định xử phạt 70 triệu đồng với Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ về hành vi vi phạm hành chính: “Thực hiện không đúng một trong các nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường”. Đồng thời, huyện Cẩm Khê yêu cầu doanh nghiệp xử lý môi trường theo đúng Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của tỉnh Phú Thọ…

Ngày 8/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cùng đoàn giám sát tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng trọng điểm trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã trực tiếp xuống kiểm tra thực tế dự án, có phát hiện những tồn tại trên, nhưng chỉ yêu cầu “Công ty phải tiến hành thực hiện đúng theo kế hoạch, tiếp tục hoàn thiện các điều kiện đảm bảo môi trường. Trước mắt, Sở Xây dựng hướng dẫn Công ty hoàn thiện các trình tự thủ tục theo quy định”.

Còn hiện nay, theo biên bản làm việc chiều ngày 15/10 giữa Công ty Hòa Phát với người dân khu 14, 15 xã Đồng Lương, với sự chủ trì của UBND xã Đồng Lương, thì Công ty Hòa Phát thừa nhận có ô nhiễm nguồn nước. Đáng buồn, sự "tích cực" của công ty trong hỗ trợ người dân, là cấp cho mỗi hộ dân bình nước sạch loại 20 lít.

Được biết, tại Bắc Giang, trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH MTV chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang cũng gây ô nhiễm môi trường do việc tiêu hủy lợn chết một cách bừa bãi và việc xả chất thải chăn nuôi ra môi trường. Tháng 5/2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã phạt hành chính 540 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 3 tháng để khắc phục vi phạm.

Theo Đời sống
back to top