<div> <p>Chị Nguyễn Ngọc Linh (tên phụ huynh được thay đổi), giảng viên đại học, có con đang học lớp 1 tại một trường tiểu học ở quận 9 cho biết, đợt ôn học kỳ 1 vừa qua, riêng môn tiếng Việt, đọc chính tả, viết... lên đến 72 bài. </p> <p>Trong thời gian đó, sáng nào cũng gần 5h sáng là chị dậy kèm con, hai mẹ con cùng học nhưng không thể nào hết được bài. Vì rõ ràng, bé mới học chữ được tầm 4 tháng, vừa bập bẹ làm quen với mặt chữ, không thể giải quyết được bài viết, bài đọc đã yêu cầu học sinh đọc hiểu một cách khá thông thạo. </p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Phụ huynh lớp 1 hoảng khi con ôn học kỳ hơn 70 bài tập - 1" data-original="https://icdn.dantri.com.vn/2019/12/17/ontap-2-1576557467572.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/12/28/ontap-2-1576557467572.jpg" title="Phụ huynh lớp 1 hoảng khi con ôn học kỳ hơn 70 bài tập - 1" /></figure> <p>Chị K.Ng, có con học tiểu học ở quận 8 cũng bày tỏ sự bức xúc và cả lo lắng khi con mình mới lớp 1 mà bài ôn được giao cả tập giấy. Hai mẹ con ôn vừa đọc, vừa viết mà ngắc ngứ và quá sức một đứa trẻ ở mức trung bình.</p> <p>Trước việc giáo viên ra bài ôn nhiều, quá sức, nhiều phụ huynh động viên nhau một cách buông bỏ: làm được thì làm, không làm được thì thôi. Rồi có khi còn đành thể hiện sự bất cần: cùng lắm là bị cô nhắc nhở, phạt, chứ giờ... muốn ở lại lớp không dễ. </p> <p>Tuy nhiên, như chị K.Ng bộc bạch, đó là cách nói cùng để trấn an mình, trấn an nhau. Thực tế, đi học mà không hoàn thành bài tập ở mức cơ bản thì người học, phụ huynh xem cần phải khắc phục thế nào; còn khi bài tập được giao quá tải, quá sức với học trò, gây áp lực quá mức thì giáo viên hoặc chương trình học phải xem lại để thay đổi theo hướng tích cực.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Phụ huynh lớp 1 hoảng khi con ôn học kỳ hơn 70 bài tập - 2" data-original="https://icdn.dantri.com.vn/2019/12/31/ontap-1-1577751761170.jpeg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/12/06/ontap-1-1577751761170.jpeg.jpg" title="Phụ huynh lớp 1 hoảng khi con ôn học kỳ hơn 70 bài tập - 2" /></figure> <p>Còn bây giờ những điều này không được giải quyết, giáo viên vẫn ra bài rất nhiều và học sinh phải hoàn thành. Thế là phải vật lộn, học nhồi nhét... để giải quyết việc hoàn thành bài trước mắt. </p> <p>Hiện nay việc kiểm tra học kỳ thông thường đã được nhiều nơi biến thành... kỳ thi. Có trường trước khi kiểm tra thì thi thử, chấm chép, tổ chức phòng thi, số báo danh... tất cả tạo nên một không khí thi cử căng thẳng, áp lực. </p> <p>Rồi tùy bậc học, có nơi là đề thi chung của trường, hoặc do Phòng GD-ĐT ra đề chứ không phải giáo viên đứng lớp. Giáo viên đành cho học sinh "ôm" hết cho chắc ăn nên dẫn đến ôn học kỳ mà ôm đề cương như luyện thi đại học.</p> <p>Tuy nhiên, bên cạnh đó áp lực này có thể đến từ chính giáo viên đứng lớp. Một giáo viên tiểu học ở Q. Bình Thạnh cho hay, thật ra việc kiểm tra học kỳ khá nhẹ nhàng. Nhưng không phải không có những giáo viên làm cho việc kiểm tra học kỳ trở nên căng thẳng, áp lực khi giao rất nhiều bài tập, bài ôn. Từ đó, nhiều phụ huynh buộc phải cho con đi học thêm. </p> <p>Thế nên, có tình trạng có những nơi học sinh ôn rất nhàn, bài vở rất nhàn nhưng có những nơi học sinh được giao bài rất nhiều, làm không nổi. Và trong trường, lớp này lớp khác cũng khác nhau. </p> <p>Chưa kể, việc học đối với con trẻ, một trong những áp lực nữa đối với các em chính là từ phụ huynh, họ xem nặng, so đo từng con điểm một của con.</p> <p>Đại diện Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, họ sẽ kiểm tra thông tin về việc học sinh lớp 1 mà đã phải ôn quá nhiều bài tập trong đợt thi học kỳ, qua đó sẽ có chấn chỉnh và nhắc nhở đến giáo viên.</p> <p><a href="https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/phu-huynh-lop-1-hoang-khi-con-on-hoc-ky-hon-70-bai-tap-20191231072204984.htm"><em>Theo dantri.com.vn</em></a></p> </div>