Phụ huynh “gặp khó” vì trẻ học trực tuyến mùa dịch

(khoahocdoisong.vn) - Không có người trông con lứa tuổi mẫu giáo, không thể giám sát, hỗ trợ khi con học trực tuyến ở nhà… là những khó khăn khiến nhiều phụ huynh “bấn loạn”.

Lo lắng vì không người trông con, hỗ trợ con học trực tuyến

Sau nghỉ Tết, bắt đầu từ ngày 17/2 (tức mùng 6 tháng 1 âm lịch), các học sinh sẽ quay trở lại trường học. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên nhiều địa phương buộc phải cho học sinh nghỉ học, chuyển sang học trực tuyến để đảm bảo an toàn cho các em.

Việc học sinh phải nghỉ học trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm đã khiến cho nhiều gia đình lúng túng, nhất là những gia đình có quê thuộc vùng dịch, đang phải thực hiện giãn cách xã hội do Covid-19.

Chị Nguyễn Thị Thu (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) năm nay đã ở lại Hà Nội ăn Têt, không thể về quê, do quê cả hai vợ chồng chị đều ở Hải Dương. Gần đến ngày các con đi học, chị nóng lòng theo dõi diễn biến dịch, các chỉ đạo của Sở GD&ĐT về việc đi học của học sinh. Khi biết tin các học sinh sẽ chuyển sang học trực tuyến, thay vì đến trường, chị lo lắng, không biết sắp xếp làm sao để vừa có thể đi làm, vừa có thể trông con.

“Cháu lớn nhà tôi đã học lớp 7, cháu tự giác học hành,và cũng đã quen với việc học trực tuyến nên tôi cũng không quá lo. Nhưng cháu thứ hai mới 4 tuổi, học trường mẫu giáo tư thục, giờ trường cũng tạm đóng cửa do Covid-19, tôi không biết sẽ tìm đâu ra người trông con. Bởi vì, ông bà cháu ở quê hiện tại cũng đang thực hiện giãn cách xã hội, không thể lên Hà Nội trông cháu được”, chị Thu chia sẻ.

Ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết, chị Thu đành “liều” để con nhỏ ở nhà  với chị của cháu, chị vừa học trực tuyến vừa trông em. May mắn, cơ quan chị Thu đã cho nhân viên chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chị có thể vừa làm vừa trông con được.

Nhưng không phải ai cũng có được may mắn như chị Thu. Trên những hội nhóm và mạng xã hội, rất nhiều gia đình chia sẻ cần tìm gấp giúp việc để trông con nhỏ. Giá cả cũng được nâng lên cao so với ngày thường. Tuy nhiên, vừa ra Tết, tìm được người giúp việc không hề dễ dàng. Một số gia đình đã lựa chọn giải pháp đành đưa con tới nơi làm việc.

Đó là đối với những gia đình có con ở lứa tuổi mẫu giáo, trẻ chưa tự chăm sóc được bản thân mình. Với những gia đình có trẻ lớn hơn, việc học trực tuyến của con cũng là một vấn đề đau đầu.

Phụ huynh đề nghị cho học sinh lớp 1 được học trực tuyến vào buổi tối.

Phụ huynh đề nghị cho học sinh lớp 1 được học trực tuyến vào buổi tối.

Chị Nguyễn Hồng Nhung (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con gái đang học lớp 1. Bắt đầu từ ngày 18/2, lớp con trai chị cũng bắt đầu học trực tuyến. Thế nhưng, điều khiến chị lo lắng là con gái chị chưa từng làm quen với việc học trực tuyến bao giờ, việc dùng máy tính còn chưa thành thạo. Cháu cần có người ở bên cạnh để hỗ trợ việc học. Tuy nhiên, ban ngày, cả hai vợ chồng chị đều phải đi làm, trong khi giờ học của con bắt đầu vào lúc 8h30 sáng. Chị và một số phụ huynh khác đề nghị cô giáo đổi lịch cho con học vào buổi tối, để con có thể có được sự hỗ trợ từ phía gia đình. Tuy nhiên, yêu cầu của chị đã không được chấp nhận.

Giáo viên mong phụ huynh cố gắng khắc phục khó khăn

Cô giáo chủ nhiệm lớp con chị Nhung chia sẻ: Việc học trực tuyến thực sự là một khó khăn đối với các học sinh, với cô giáo và với cả các phụ huynh. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, đây là phương pháp học đảm bảo an toàn nhất cho các con. Cho nên, cô giáo mong các phụ huynh khắc phục khó khăn, phối hợp với thầy cô giáo để việc học của các con đạt được kết quả tốt nhất. Về lịch học, cũng sẽ giữ nguyên vào buổi sáng. Theo đó, trước khi “học thật”, cô giáo đã có một buổi tối vào ứng dụng Zoom để các phụ huynh làm quen và hướng dẫn các con, tránh việc khi thiếu vắng phụ huynh thì các con sẽ bỡ ngỡ.

Học sinh lớp 1 sử dụng máy tính, học trực tuyến.

Học sinh lớp 1 sử dụng máy tính, học trực tuyến.

Chị Nhung cho biết, chị vẫn không yên tâm khi để con học lớp 1 ở nhà tự học trực tuyến mà không có sự hỗ trợ của người lớn. Thế nhưng, trong hoàn cảnh này, không còn lựa chọn nào khác. Đành phải cho con thích nghi, và nếu có khó khăn nảy sinh sẽ điều chỉnh, khắc phục.

Cô giáo Nguyễn Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Chân Mộng, Đoan Hùng, Phú Thọ chia sẻ, đối với học sinh cấp tiểu học, việc học trực tuyến sẽ khó khăn hơn đối với học sinh cấp học lớn hơn. Để việc học được hiệu quả, cần có sự hỗ trợ của phụ huynh trong những ngày đầu để các con làm quen dần. Cần có sự phối hợp chặt chẽ với giáo viên để việc học tập có được kết quả tốt. Ví dụ, khi về nhà cần kiểm tra vở ghi của con, giúp con ôn lại bài, giám sát việc con hoàn thành bài tập được giao…

Ngoài ra, còn một vấn đề mà các phụ huynh cũng cần lưu tâm, đó là phải đảm bảo được an toàn cho trẻ khi ở nhà một mình. Cần dặn con những lưu ý đề phòng những tai nạn về điện, như không tự cắm điện, nếu có trục trặc, sự cố thì gọi hỗ trợ thế nào…

Đặc biệt là các em lớp 1, lứa tuổi còn nhỏ. Các phụ huynh cần phải lưu ý đảm bảo an toàn cho trẻ khi để trẻ ở nhà một mình, hoặc trẻ tự trông nhau, tránh những tai nạn đáng tiếc.

Tính đến thời điểm hiện nay, nhiều địa phương như TPHCM, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên quyết định cho học sinh tạm dừng đến trường và học online đến hết tháng 2/2021 để phòng dịch.

Trong khi đó, Khánh Hòa, Quảng Nam, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Sơn La, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Nghệ An và một số tỉnh, học sinh sẽ trở lại trường từ ngày 17/2.

Theo Theo KH&ĐS
back to top