Phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa hè

(khoahocdoisong.vn) - Mùa hè, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao. Thực hiện khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mùa hè.

Ngộ độc thực phẩm ngay trong gia đình

Ngày 27/6/2020, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi được chẩn đoán ngộ độc thức ăn. Được biết, trước đó tại gia đình 3 bà cháu đã ăn cam và dưa hấu. Sau ăn, cả 3 bà cháu đều có biểu hiện đau bụng nhiều, nôn, sốt.

Sau khi được cấp cứu ở cơ sở y tế tuyến dưới, bà của 2 bệnh nhi đã được xuất viện, còn 2 bệnh nhi có biểu hiện nặng hơn đã được chuyển đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng nặng, li bì, nôn nhiều, đại tiện phân lỏng tóe nước không kiểm soát, sốt liên tục 39 - 40 độ C riêng trẻ 9 tuổi trong tình trạng rất nặng, rối loạn điện giải nghiêm trọng.

Bệnh nhi ngộ độc thức ăn đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Nam -Thụy điển Uông Bí.

Bệnh nhi ngộ độc thức ăn đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Nam -Thụy điển Uông Bí. 

Theo BS Nguyễn Thị Lợi, bác sĩ trực tiếp cấp cứu trẻ cho biết: Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, điều chỉnh dịch, cân bằng điện giải, sử dụng kháng sinh đường ruột, hạ sốt...

Trước đó, ngày 8/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã cấp cứu cho 25 trường hợp ngộ độc thực phẩm (sau bữa ăn tối ngày 7/5 và bữa ăn trưa ngày 8/5), là công nhân  cùng làm trong một phân xưởng thuộc Công ty Xuất nhập khẩu Gỗ Việt Ý (Tuyên Quang).

Theo TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tính đến ngày 31/5, toàn quốc đã ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 870 người mắc, 824 người nhập viện điều trị và 22 người tử vong. So sánh với cùng kỳ năm 2019, tăng 11 vụ (29,7%) ngộ độc thực phẩm, số người mắc tăng 18 người và tử vong tăng 17 người.

Phân tích từ 1.604 vụ ngộ độc được ghi nhận từ năm 2010 đến năm 2020, nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 38,7%), độc tố tự nhiên (28,4%), hóa chất (4,2%)… Đối với các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp, từ năm 2010 - 2019, cả nước ghi nhận 149 vụ với 10.847 người mắc, 9.889 người nhập viện. Trung bình mỗi năm xảy ra 15 vụ với 1.135 người mắc và 1.084 người nhập viện.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, thời tiết mùa hè gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm nhiều hơn. Nguyên nhân là do trong mùa hè nhiệt độ cao làm thức ăn dễ bị ôi thiu, biến chất. Đây là điều kiện rất lý tưởng để các vi sinh vật gây bệnh phát triển. Những vi khuẩn gây bệnh được phát hiện nhiều nhất trong thực phẩm không bảo đảm an toàn, đó là vi khuẩn đường ruột Salmonella, vi khuẩn E.coli… Chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản thực phẩm không tốt là vi khuẩn phát triển gây ngộ độc thực phẩm.

Đặc biệt, tỷ lệ nguy cơ bị ôi thiu, vi khuẩn xâm nhập cao hơn ở những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm, dầu như thịt, hải sản, cá, sữa… Cho nên trong ngày hè, mọi người cần chú ý đến bảo quản. Ngoài ra, quá trình lựa chọn nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm nguồn gốc, tồn dư hóa chất độc hại từ khi thu hoạch cũng là mối nguy ngộ độc

Tuân thủ nguyên tắc vàng

Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra nguyên tắc "vàng" bảo đảm an toàn, thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mùa hè.

Tuân thủ 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn bao gồm: chọn thực phẩm an toàn; nấu kỹ thức ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín; luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.

Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất thải của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng dịch bệnh lây lan. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.

Theo Đời sống
back to top