Phòng ngừa Covid-19 đối với người đái tháo đường

(khoahocdoisong.vn) - Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho đến nay, Việt Nam chưa có người tử vong do covid-19, nhưng đã có những bệnh nhân rất nặng do tuổi cao, mắc nhiều bệnh nền trong đó có bệnh đái tháo đường.

Người bệnh đái tháo đường khi mắc Covid-19 thường nặng hơn

Người mắc bệnh đái tháo đường thường dễ bị bệnh nặng hơn khi nhiễm SARS-CoV-2 vì các lý do: Thứ nhất, hệ thống miễn dịch của người bệnh vốn đã bị tổn hại, khiến việc chống lại virus khó khăn hơn và khả năng phục hồi cũng lâu hơn. Thứ hai, virus có thể phát triển mạnh hơn trong môi trường đường huyết tăng cao. Thứ ba, khi nhiễm virus, cơ thể cố gắng chống lại bệnh bằng cách giải phóng đường dự trữ để cung cấp năng lượng, do đó đường trong máu tăng lên. Thứ tư, người đái tháo đường thường có nhiều biến chứng, nhiều bệnh kèm theo như tăng huyết áp, tim mạch, các nhiễm trùng khác, biến chứng bàn chân sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Trong mùa dịch, người đái tháo đường phải có biện pháp phòng ngừa để tránh nhiễm virus. Các khuyến cáo đang được ban hành rộng rãi cho cộng đồng rất quan trọng đối với người mắc bệnh đái tháo đường và bất cứ ai tiếp xúc gần với người mắc đái tháo đường. Riêng người bệnh và người thân của họ nên ở tại nhà, không đi ra ngoài nếu không cần thiết. Người bệnh phải chú ý hơn đến việc tự kiểm soát đường huyết, chế độ ăn, luyện tập. Nên tự thử đường máu thường xuyên hơn, trường hợp không kiểm tra được đường trong máu tại nhà nên chú ý đến các dấu hiệu đi tiểu nhiều hơn (đặc biệt là vào ban đêm), rất khát nước, đau đầu, mệt mỏi, thờ ơ, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt. Nên nhớ, bất kỳ nhiễm trùng nào cũng sẽ làm tăng mức glucose và tăng nhu cầu về nước, vì vậy hãy đảm bảo uống đủ nước, đặc biệt là người già phải uống đủ nước dù không thấy khát. Phải chuẩn bị đủ các loại thuốc trị đái tháo đường, thuốc điều trị biến chứng.

Ăn đủ và luyện tập thể lực thường xuyên

Về thực phẩm, người bệnh đái tháo đường phải đảm bảo ăn đúng thời gian, đủ bữa, đủ dinh dưỡng, không bỏ bữa. Các nghiên cứu cho thấy, ở nhà nhiều thường có xu hướng ăn nhiều hơn, ít vận động, vì vậy chỉ nên ăn đủ ngày 3 bữa chính, không ăn quá 3 bữa phụ, hạn chế tối đa nước uống có ga, nước ngọt. Có thể bổ sung dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất bằng cách ăn hoa quả vào các bữa phụ. Nên chuẩn bị bánh ngọt, sữa để xử trí trong các trường hợp hạ đường máu đột ngột.

Nếu người đái tháo đường sống một mình, phải có người thân biết rõ tình trạng bệnh để khi cần có thể hỗ trợ. Dù ở tại nhà, người bệnh vẫn nên hoạt động thể chất thường xuyên để kiểm soát tốt đường máu như đi bộ, chạy tại chỗ. Nếu là người đái tháo đường týp 1, hãy kiểm tra đường máu hàng ngày (thử lúc đói và cả vào ban đêm), nếu có máy tự kiểm tra được ketone máu và nước tiểu càng tốt. Nếu đường máu cao trên 15mmol/l (270mg/dl) hoặc nếu mẫu thử có ketone, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.

Với người đái tháo đường thai kỳ phải kiểm tra đường máu thường xuyên 4 lần/ ngày vào các thời điểm đường máu lúc đói buổi sáng, đường máu sau ăn sáng, sau ăn trưa và sau ăn tối 2 tiếng đồng hồ. Hàng tuần phải liên hệ với bác sĩ sản hoặc bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Nếu thấy đường máu tăng đột ngột phải thông báo cho bác sĩ ngay. Nếu người bệnh đang điều trị biến chứng đái tháo đường như loét bàn chân, biến chứng tim mạch, suy thận mà không có triệu chứng Covid-19, vẫn nên tiếp tục điều trị và phải liên hệ hẹn trước nơi khám, điều trị. Nếu phát hiện ra điều gì bất thường như nốt phồng rộp, thâm tím ở chân hãy gọi cho bác sĩ để được tư vấn ngay.

Đối với người đái tháo đường týp 2 bị nhiễm virus Covid-19 sẽ có một số thuốc phải thận trọng khi sử dụng vì dễ gây nhiễm toan hoặc nhiễm trùng đường niệu, ví dụ các thuốc nhóm SGLT2 (biệt dược Jardiance, Forxiga, Ivocana). Những trường hợp này cần có sự tư vấn đặc biệt của bác sĩ chuyên khoa.

PGS.TS Tạ Văn Bình (Chủ tịch Hội Người Giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top