3 đặc điểm trĩ ở người già
Trĩ là một bệnh thường gặp với tỷ lệ mắc bệnh không những đứng hàng đầu trong nhóm các bệnh lý hậu môn trực tràng mà còn chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong các bệnh lý toàn thân. Bởi vậy từ xưa dân gian đã có câu “thập nhân cửu trĩ”, có nghĩa là trong 10 người thì có đến 9 người bị trĩ. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh trĩ, ngoài nhân tố về cấu trúc giải phẫu và chức năng sinh lý của hậu môn trực tràng, còn có tác nhân bên ngoài như nghề nghiệp phải ngồi nhiều đứng lâu, ít hoạt động, mắc chứng táo bón, kiết lỵ, ỉa chảy, uống nhiều rượu, ăn quá nhiều đồ cay nóng, phụ nữ mang thai...
Ở người có tuổi, nguyên nhân phát sinh bệnh trĩ có những điểm riêng biệt. Cùng với quá trình thoái hóa chung của cơ thể, cấu trúc giải phẫu và chức năng sinh lý của hệ thống tiêu hóa cũng dần dần lão suy. Chức năng co bóp, bài tiết và hấp thu của ruột yếu đi khiến cho tình tràng rối loạn đại tiện rất dễ phát sinh; trương lực cơ trơn đại tràng, cơ thắt hậu môn và dây chằng bị suy giảm, hệ thống tĩnh mạch hậu môn trực tràng bị suy yếu... điều đó làm cho người già rất dễ mắc bệnh trĩ với những đặc điểm gồm: Rất ít trĩ đơn thuần mà đa số là trĩ hỗn hợp. Búi trĩ dễ bị sa xuống, xuất huyết và xơ hóa. Trị liệu thường khó khăn vì sức đề kháng kém do mắc nhiều bệnh mạn tính.
Bởi vậy, để nâng cao chất lượng cuộc sống, việc phòng ngừa bệnh trĩ ở người già là hết sức cần thiết. Trên quan điểm “trị vị bệnh” (chữa bệnh từ khi bệnh chưa phát), y học cổ truyền đã tích lũy và vận dụng rất nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa bệnh trĩ với tính chất toàn diện, đơn giản và có hiệu quả, trong đó chế độ ăn uống và sinh hoạt rất quan trọng.
Ăn uống: Trọng thực phẩm có tính nhu nhuận nhưng ôn ấm
Cổ nhân có câu “bệnh tòng khẩu nhập” (bệnh theo miệng mà vào), điều đó rất đúng đối với bệnh trĩ. Bởi vậy, để dự phòng căn bệnh này cần hết sức chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống. Trước hết, phải điều độ và đúng giờ giấc, không ăn quá no và cũng không để quá đói. Điều này giúp cho hệ thống tiêu hóa hoạt động được bình thường, đúng quy luật và có hiệu quả, đặc biệt đối với người già.
Thứ hai, thức ăn cần đảm bảo đủ về lượng, tốt về chất nhưng phải dễ tiêu và có chất xơ, chú ý uống đủ nước và ăn nhiều rau quả tươi, trọng dụng các thực phẩm có tính nhu nhuận như ôn ấm như vừng, đậu đen, đậu tương, mộc nhĩ... Mỗi tuần nên ăn một vài bữa cơm gạo lứt muối vừng. Điều này giúp cho người già phòng chống hữu hiệu chứng táo bón, một trong những nguyên nhân gây bệnh trĩ.
Cuối cùng, phải hết sức giữ gìn vệ sinh ăn uống, đặc biệt là vào mùa hè để phòng tránh các bệnh lý dễ tạo điều kiện phát sinh bệnh trĩ như kiết lỵ, viêm ruột do nấm hoặc do vi khuẩn, rối loạn tiêu hóa... Không nên ăn quá nhiều các thức ăn cay nóng như ớt, hạt tiêu, rượu mạnh... dễ gây táo bón hoặc các thức ăn tính quá lạnh như cua, ốc, thịt trâu, dưa hấu... dễ gây đi lỏng.
Sinh hoạt: Tránh ngồi xổm
Hết sức tránh đứng lâu, ngồi lâu, không nên ngồi xổm vì có thể ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu ở khoang xương chậu làm cho ứ máu tại các tĩnh mạch trĩ.
Tăng cường hoạt động thể lực, đặc biệt là vận động cơ bắp. Tùy theo sở thích của mỗi người mà lựa chọn một hay hai môn thể thao yêu thích, kiên trì tập luyện trong một thời gian dài. Bơi lội là một trong những môn thể thao rất hữu ích cho việc phòng ngừa bệnh trĩ, ngoài ra chạy chậm và đi bộ đều có tác dụng phòng ngừa ở các mức độ khác nhau.
Nên hình thành thói quen đại tiện mỗi sáng. Không nên nhịn đại tiện vì sẽ gây ra táo bón. Các thói quen như ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu, đọc báo trong nhà vệ sinh hoặc dùng lực quá sức... đều là thói quen không tốt, nên thay đổi. Nên dùng hố xí bệt.
Hạn chế sinh hoạt tình dục khi có các biểu hiện của bệnh trĩ. Hết sức chú ý vệ sinh tầng sinh môn, nhất là sau khi đại tiện. Mỗi ngày nên ngâm nước ấm vùng hậu môn chừng 15 - 20 phút. Không hút thuốc lá và uống rượu.
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đọi 108)