Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm xảy ra quanh năm và thường ghi nhận số mắc tăng cao vào các tháng 9, 10, 11. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nói chung, trong đó có bệnh tay chân miệng.
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ; triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện ăn chín, uống chín, ở sạch, bàn tay sạch và sử dụng đồ chơi sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh tay chân miệng bằng nhiều hình thức và theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo để tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học; yêu cầu các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; ngay từ đầu năm học mới, tổ chức thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường…
Ngoài ra, duy trì vệ sinh phòng học, lớp học hàng ngày và tổng vệ sinh toàn trường hàng tuần. Tháo dỡ các biển quảng cáo, rao vặt, phối hợp với chính quyền địa phương giải tỏa hàng quán và đảm bảo trật tự an toàn giao thông xung quanh cổng trường.
Thực hiện cung cấp đủ nước ăn uống, sinh hoạt; đảm bảo các điều kiện nhà vệ sinh trường học; công tác an toàn thực phẩm.
Các cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể, căng tin trường học phải rà soát, bổ sung ngay cơ sở vật chất, trang thiết bị, hồ sơ pháp lý… đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm và tiến hành tổng vệ sinh bếp ăn, nhà ăn, căng tin trước khi tổ chức phục vụ học sinh, giáo viên, không để xảy ra sự cố an toàn thực phẩm trong nhà trường.