GS.TS Phùng Đắc Cam, chuyên gia vi sinh lâm sàng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, virus sởi là loại virus ARN thuộc chi Morbilivurus, họ Paramyxoviridae. Nguyên nhân gây bệnh sởi là do virus Neasles có trong dịch mũi, họng, kết mạc của người bị sởi, lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc. Đây là một loại virus bền vững không có sự thay đổi týp. Người đã bị sởi hoặc tiêm văcxin sởi đầy đủ có thể miễn dịch cả đời.
Sởi vẫn được coi là lành tính, ít gây tử vong nhưng từ xưa đến nay, sởi biến chứng vẫn được coi là căn bệnh nặng nề, tỷ lệ tử vong cao dưới 1% nếu không chữa trị kịp thời. Biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi,...Đặc biệt nguy hiểm khi người mắc sởi trên nền bệnh cũ là nguyên nhân khiến bệnh diễn biến nặng và tử vong cao.
Để tránh diễn biến nặng và tử vong do sởi, GS.TS Phùng Đắc Cam khuyên, trong giai đoạn này tốt nhất, trẻ nhỏ và cả người lớn nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin cần đi tiêm vắc xin để phòng bệnh. Vắc xin sởi có hiệu lực bảo vệ trên 95%. Khi phát hiện bị bệnh sởi cần đi khám sớm tránh tình trạng bệnh bị biến chứng nặng. Nhiều người thấy ban ít tưởng nhẹ nhưng thực tế đánh giá tiên lượng sởi phải căn cứ chủ yếu vào hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân, không nên chỉ dựa vào ban, vì ban thưa có thể gặp ở thể nhẹ nhưng cũng có thể gặp ở thể nặng khi trẻ suy dinh dưỡng tính phản ứng yếu hoặc.
Ngược lại ban mọc dầy không nhất thiết là nặng vì có thể gặp ở trẻ dinh dưỡng tốt, tính phản ứng mạnh. Đặc biệt, nguy hiểm ở chỗ các dấu hiệu ác tính thường xuất hiện nhanh chóng trong vài giờ trên những thể địa quá mẫn, vào cuối giai đoạn khởi phát, trước lúc mọc ban với các triệu chứng như: sốt cao vọt 39 – 41oC, u ám, vật vã, mê sảng, hôn mê, co giật, mạch nhanh, huyết áp tụt, thở nhanh, tím tái, nôn, ỉa lỏng, đái ít, xuất huyết dưới da hay phủ tạng... Hơn nữa, các biến chứng của bệnh thường nặng nề như:
Viêm thanh quản: Giai đoạn sớm, là do virus sởi: xuất hiện ở giai đoạn khởi phát, giai đoạn đầu của mọc ban thường mất theo ban, hay có Croup giả, gây cơn khó thở do co thắt thanh quản. Giai đoạn muộn: do bội nhiễm (hay gặp do tụ cầu, liên cầu, phế cầu…), xuất hiện sau mọc ban. Diễn biến thường nặng: sốt cao vọt lên, ho ông ổng, khàn tiêng, khó thở, tím tái.
Viêm phế quản: Thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kì mọc ban. Biểu hiện sốt lại, ho nhiều, ho rũ rượi, ho kéo dài. Bệnh nhi sốt cao 400C, háo nước, li bì do loét, phù nề thanh đới. Bệnh Nhi ngạt thở cần phải hồi sức và điều trị.
Viêm phế quản – phổi: thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ. Do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau mọc ban. Biểu hiện nặng: sốt cao khó thở, khám phổi có ran phế quản và ran nổ.
Viêm não – màng não – tủy cấp: Là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao. Gặp ở 0,1 – 0,6% bệnh nhân sởi. Thường gặp ở trẻ lớn (tuổi đi học), vào tuần đầu của ban (ngày 3 – 6 của ban). Khởi phát đột ngột, sốt cao vọt co giật, rối loạn ý thức: u ám – hôn mê, liệt ½ người hoặc 1 chi, liệt dây III, VII hay gặp hội chứng tháp – ngoại tháp, tiểu não, tiền đình…
Đường tiêu hóa: gây viêm niêm mạc miệng; cam mã tấu gây loét niêm mạc miệng, lan sâu rộng vào xương hàm gây hoại tử niêm mạc, viêm xương, rụng răng, hơi thở hôi thối; viêm ruột do bội nhiễm các loại vi khuẩn như shigella, E. coli…
Ngoài ra, bệnh còn gây biến chứng tai – mũi – họng: viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai giữa, viêm tai xương chũm... và đặc biệt là viêm cơ tim khiến tim đập nhanh, yếu, có thể loại nhịp dẫn đến ngưng đập.
Kiêng kỵ dễ nhiễm trùng nguy hiểm: dân ta có thói quen thấy sởi là kiêng kỵ rất kỹ là một sai lầm rất lớn. Đối với bệnh sởi, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là các hốc tự nhiễn như mũi, mắt, miệng...sẽ gây bội nhiễm vào trong cơ thể, gây các biến chứng như đau và sưng khớp, viêm não, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm thần kinh ... Tuyệt đối không nên xông vì dễ gây giãn mạch, mất nước dễ nguy hiểm.