Hỏi: Người nhà tôi bị ung thư phổi đang điều trị Osimertinib. Tôi nghe nói nếu sử dụng kết hợp với Aspirin sẽ kéo dài thời gian kháng thuốc không biết có đúng không? Sử dụng như thế nào?
Lê Văn Thành (Nghệ An)
BS Trịnh Thế Cường, Khoa Hóa trị, Bệnh viện E T.Ư: Osimertinib là thuốc ức chế EGFR TKI thế hệ thứ 3, được sử dụng có hiệu quả cao, ít tác dụng phụ ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn có đột biến geneEGFR. Dù tỷ lệ đáp ứng cao nhưng sau một thời gian, bệnh nhân sẽ bị kháng thuốc phải chuyển sang điều trị hóa chất, miễn dịch.
Các nhà khoa học đã thực hiện các nghiên cứu như: Phối hợp osimertinib với các thuốc ức chế tăng sinh mạch máu như Bevacizumab, ramucirumab ; osimertinib phối hợp với hóa trị… Mặc dù đầy hứa hẹn có thể kéo dài thời gian kháng thuốc, tuy nhiên đi kèm với nó là nguy cơ cao độc tính, gia tăng gánh nặng tài chính cho người bệnh.
Đi tìm một thuốc phối hợp với osimertinib vừa kéo dài thời gian kháng thuốc, vừa ít tác dụng phụ, giá thành rẻ là nhu cầu cấp thiết của bệnh nhân. Aspirin liều thấp là một thuốc đầy hứa hẹn đáp ứng được nhu cầu đó.
Aspirin, hay acetylsalicylic acid (ASA) là một dẫn xuất của acid salicylic, thuộc nhóm thuốc chống viêm non-steroid; có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm; nó còn có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, khi dùng liều thấp kéo dài có thể phòng ngừa đau tim và hình thành cục máu đông trong mạch máu.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, Aspirin còn giảm tỷ lệ mắc bệnh, di căn hoặc nguy cơ tử vong ở một số loại ung thư. Một nghiên cứu gần đây trên các bệnh nhân bị bệnh gan mãn tính, việc sử dụng Aspirin làm giảm tỷ lệ mắc ung thư gan ( 4% so với 8,3%). Một phân tích trên 10 triệu bệnh nhân, việc sử dụng Aspirin làm giảm khoảng 11% nguy cơ mắc ung thư phổi.
Ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR, một vài bằng chứng cho thấy Aspirin có tác dụng trì hoãn hay vượt qua sự đề kháng từ các thuốc EGFR TKIs. Li và cộng sự cho thấy việc sử dụng aspirin trì hoãn việc kháng thuốc mắc phải thông qua việc ức chế sự tăng sinh và thúc đẩy sự chết theo chương trình của tế bào ung thư trong các thử nghiệm trong ống nghiệm, động vật.
Một nghiên cứu hồi cứu ở Mỹ trên 365 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR có điều trị osimertinib cùng với aspirin cho thấy lợi ích kéo dài thời gian kháng thuốc. Tuy nhiên nó chỉ là một nghiên cứu hồi cứu nên kết quả chỉ có tính gợi ý chứ chưa đủ khẳng định được hiệu quả của aspirin.
Vì vậy, bạn cần phải trao đổi với bác sĩ điều trị để có chỉ định cụ thể.