Không tiếp tục thực hiện mô hình "3 tại chỗ" là kiến nghị chung được các doanh nghiệp thực phẩm tại TP.HCM gửi tới Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 6/8.
Đoàn kiểm tra của Phó thủ tướng đã làm việc với 3 doanh nghiệp vào sáng cùng ngày để lắng nghe khó khăn, đề xuất và giải quyết từng kiến nghị. Ông nhấn mạnh tinh thần "không mặc đồng phục cho cả thành phố" và yêu cầu chính quyền, doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện cách làm mới mà không trái lại chủ trương của thành phố cũng như Trung ương.
Không thể thực hiện "3 tại chỗ" quá một tháng
Điểm đầu tiên trong chuyến kiểm tra của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan). Cuối tháng 7, đơn vị này phát hiện hàng chục ca nhiễm SARS-CoV-2 sau gần một tháng áp dụng mô hình "3 tại chỗ" (từ 24/6 tới 19/7). Ngày 29/7, công ty chính thức thông báo dừng thực hiện mô hình này, ngưng sản xuất nhiều bộ phận.
"Chúng tôi đã đứt gãy chuỗi lao động trong các khâu sản xuất", ông Nguyễn Ngọc An, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc, nói.
Đoàn kiểm tra của Phó thủ tướng làm việc với Công ty Vissan sáng 6/8. Ảnh: Chí Hùng. |
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan, cho biết mô hình "3 tại chỗ" khó duy trì hơn một tháng bởi tâm lý người lao động cũng như điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị không thể đảm bảo. Công ty kiến nghị được hoạt động sản xuất lại với mô hình như bình thường và test nhanh cho người lao động 1 lần/tuần. Nếu phát hiện ca F0 thì chính quyền địa phương hỗ trợ cách ly, phân loại để tiếp tục sản xuất.
Ông Khoa chia sẻ yêu cầu hạn chế ra ngoài từ 18h đến 6h rất khó cho doanh nghiệp thực phẩm phục vụ mặt hàng tươi sống. Ví dụ việc giết mổ heo thường vào ban đêm, sau đó 2-3h sáng chuyển đến các điểm bán. Do đó, Chủ tịch Vissan đề xuất thành phố "co giãn thời gian" để chủ động đem hàng ra thị trường.
Cuối cùng, để cải thiện tâm lý người lao động, khuyến khích họ trở lại làm việc sau khi phát hiện F0 tại doanh nghiệp, ông Khoa mong thành phố tiêm vaccine tại chỗ cho công nhân tại công ty. Hiện, đơn vị còn khoảng 800 lao động chưa tiêm vaccine.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc tại Công ty Vissan. Ảnh: Chí Hùng. |
Trao đổi với công ty, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định cuộc chiến chống dịch tại TP.HCM không tính bằng tuần mà bằng tháng. Do đó, các giải pháp phải được tính toán dài hạn. Ngay từ những ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16, Phó thủ tướng đã nhấn mạnh không bắt chước hoàn toàn mô hình ở Bắc Ninh, Bắc Giang mà cần linh hoạt phương pháp theo thực tiễn tại TP.HCM.
"Không bao giờ nên mặc áo chung cho cả thành phố, cụ thể là không mặc đồng phục cho các ngành sản xuất", ông Đam nói.
Là Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng chia sẻ Ban đã rất vất vả để không làm tê liệt sản xuất toàn quốc, cố gắng duy trì từng khu vực ở mức tối thiểu để không bị đứt gãy. Trong đó, quan trọng nhất là duy trì bằng được việc sản xuất, phân phối những mặt hàng "sát sườn" như trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm.
Sau khi thảo luận từng kiến nghị, Phó thủ tướng khẳng định Công ty Vissan thuộc nhóm phải ưu tiên ngay và các đề xuất của đơn vị đều không trái chủ trương của Chính phủ hay thành phố. Quan trọng là sự phối hợp giữa các cơ quan.
Ông nhấn mạnh khó nhất là để nhà máy tự sản xuất. Doanh nghiệp cần có cơ chế giám sát y tế sao cho bất kỳ ai có triệu chứng bệnh đều được hỗ trợ kịp thời. Ông đề nghị doanh nghiệp sản xuất chủ động tìm đơn vị y tế để làm hợp đồng đảm bảo dịch vụ y tế tại chỗ, xử lý ngay người có triệu chứng mắc Covid-19 theo đúng quy trình.
Lo ngại đứt gãy chuỗi sản xuất mì ăn liền
Tại Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (VIFON), bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết thành phố có 2 đơn vị sản xuất mì ăn liền là ACECOOK và VIFON với sản lượng mỗi năm trên 4 tỷ khối. Nếu 2 doanh nghiệp này gặp vấn đề thì thị trường mì ăn liền cả nước sẽ chao đảo theo.
"Rất lo ngại đứt gãy sản xuất chuỗi mì ăn liền vì thiếu nguyên vật liệu phụ", bà Chi nhấn mạnh.
Chủ tịch FFA lý giải mì ăn liền phải có gia vị như hành, ớt, tiêu, tỏi. Nhiều đơn vị gia công lấy nguyên liệu hành lá ở Ninh Bình; hành tím ở Hậu Giang; củ quả trong gia vị ở Tiền Giang. Do đó, nếu chuỗi lưu thông có vấn đề thì sẽ thiếu các mặt hàng gia vị để làm nguyên liệu phụ.
Bà kiến nghị thành phố cùng với Hiệp hội và doanh nghiệp làm việc với các địa phương đảm bảo cung ứng phụ liệu, lưu thông, phân phối hàng hóa ổn định để nhà máy có nguyên liệu sản xuất.
Bà Chi chia sẻ trước nay doanh nghiệp chỉ nghĩ sản xuất "3 tại chỗ" trong một tháng, nếu kéo dài thì không làm nổi. Nữ chủ tịch FFA kiến nghị thành phố nghiên cứu không tiếp tục mô hình sản xuất này, đồng thời để doanh nghiệp tự chủ, phối hợp với Bộ quy tắc trong phòng, chống dịch Covid-19.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA). Ảnh: Chí Hùng. |
Chia sẻ với doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết khi mới chống dịch, khó tránh khỏi lúng túng ban đầu. Nay đã giãn cách 3 tuần theo Chỉ thị 16, thời gian lúng túng phải rút ngắn lại và giải quyết dứt điểm khúc mắc.
Về các vấn đề liên quan đến lưu thông hàng hóa, ông Đam giao TP.HCM phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xử lý. Với mô hình "3 tại chỗ", Phó thủ tướng khẳng định đây là biện pháp mạnh và chỉ mang tính chất ngắn hạn.
Ông đề nghị thành phố phân loại các nhà máy theo 3 nhóm: Buộc phải duy trì sản xuất; cần duy trì sản xuất; và khuyến khích duy trì sản xuất.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng dẫn chứng mô hình "bong bóng khép kín" đang áp dụng tại Thế vận hội Tokyo cho doanh nghiệp tham khảo. Ông đề nghị doanh nghiệp thống kê nơi ở của người lao động - công nhân nào ở vùng xanh, vùng đỏ - sau đó phân ca theo chỗ ở; doanh nghiệp có thể thuê trọ cho công nhân trong vùng đỏ để đảm bảo sản xuất an toàn.
Xem xét cho shipper hoạt động sau 18h
Trong sáng 6/8, đoàn công tác của Phó thủ tướng cũng đến kiểm tra Công ty TNHH TikiNow Smart Logistics. Đại diện doanh nghiệp cho biết shipper đang gặp 3 khó khăn chính: Thiếu thống nhất trong việc phân biệt mặt hàng thiết yếu giữa các địa phương; Không thể giao hàng liên quận; và không thể ra ngoài từ 18h đến 6h.
Phó thủ tướng yêu cầu thành phố cần triển khai tiêm cho người lao động tại Tiki chưa tiêm vaccine Covid-19 (khoảng 30%). Ngoài ra, thay vì dồn hết hàng về một kho chính, công ty nên tổ chức nhiều trạm đón nhận tại các địa phương. Ông yêu cầu Sở Công Thương hỗ trợ nếu doanh nghiệp gặp khó trong thiết lập kho tại 22 quận/huyện/thành phố Thủ Đức.
Đối với hoạt động sau 18h, Phó thủ tướng cho rằng TP.HCM nên bàn phương án cho các đội giao hàng chuyên nghiệp, không thể đi hết 100% nhưng có thể duy trì mật độ nhất định để đảm bảo phục vụ người dân.