Trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước đạt 31,32% so với kế hoạch Quốc hội giao, thấp nhất trong cùng kỳ những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là do một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong chỉ đạo triển khai. Và một phần do các dự án, gói thầu mới cần được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đất đai...
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã phê bình Bộ KH&ĐT đã chậm trễ trong tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công, đồng thời không báo cáo cụ thể các nguyên nhân chậm giao vốn và giải pháp khắc phục. Phó Thủ tướng cũng nêu trách nhiệm của lãnh đạo Bộ KH&ĐT và các Vụ trưởng của các Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Vụ Kinh tế đối ngoại trong đốc thúc, thẩm định và tổng hợp các dự án.
Nhấn mạnh rằng tình hình Giải ngân vốn đầu tư công rất cấp bách nóng bỏng, đã trở thành áp lực nội tại của Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành tới 2 Nghị quyết về vấn đề này. Thủ tướng đã ra 2 chỉ thị và nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng, nhưng giải ngân vẫn còn chậm hơn cả cùng kỳ các năm trước. Đây chính là các yếu kém nghiêm trọng trong quản lý đầu tư của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, yếu kém của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được xóa bỏ.
Từ đây, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ hết 35.000 tỷ đồng vốn chưa giao trong tháng 8 này. Trước 30/9/2019 phải trình Thủ tướng việc hủy kế hoạch giao vốn với các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án “không chịu” giải ngân. Trước 10/10/2019 phải báo cáo việc điều chỉnh kế hoạch giải ngân vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án đang cần vốn và có tiến độ giải ngân cao, từ các bộ, ngành và địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành có nhu cầu bổ sung vốn và tỉ lệ giải ngân cao. Và rà soát, tính toán kế hoạch đầu tư công năm 2020 sát thực tế từng bộ, ngành, địa phương.