<div> <p>Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao <span>ASEAN</span> lần thứ 52 (AMM-52) đã khai mạc sáng 31/7 tại Bangkok, <span>Thái Lan</span>. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.</p> <p>Tại hội nghị, các bộ trưởng Ngoại giao thảo luận nhiều nội dung về tình hình xây dựng Cộng đồng, quan hệ đối ngoại và rà soát việc chuẩn bị cho các hội nghị cấp cao cuối năm, cũng như trao đổi ý kiến về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.</p> <p>Các bộ trưởng khẳng định quyết tâm thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, tiếp tục triển khai các định hướng, sáng kiến xây dựng ASEAN tự cường, sáng tạo và phát triển bền vững mọi mặt trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều chuyển biến nhanh chóng.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Pho thu tuong neu dich danh nhom tau Trung Quoc xam pham chu quyen VN hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/08/01/1000.jpeg(1).jpeg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chụp ảnh cùng Ngoại trưởng <span>Trung Quốc</span> Vương Nghị tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc diễn ra tại Bangkok hôm 31/7. Ảnh: <em>AP.</em></td> </tr> </tbody> </table> <h3>Những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông với nhóm tàu HD-8</h3> <p>Các bộ trưởng đã thảo luận sâu rộng về tình hình Biển Đông, ghi nhận quan ngại về các hoạt động tôn tạo bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.</p> <p>Theo đó, ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hóa và tránh có các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982.</p> <p>Các nước ASEAN cam kết duy trì tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất.</p> <p>Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao kết quả 4 năm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Phó thủ tướng đề nghị ASEAN tiếp tục đề cao đoàn kết, gắn kết, tăng cường hợp tác nội khối, giữ vững vai trò trung tâm trong quan hệ đối ngoại, qua đó ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch nhanh chóng trong cục diện chiến lược khu vực và thế giới.</p> <p>Phó thủ tướng đề xuất ASEAN tiến hành kiểm điểm giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng, gia tăng thương mại và đầu tư nội khối, thúc đẩy hợp tác xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời tiếp tục cải tiến phương thức làm việc thông qua tận dụng và vận hành hiệu quả trụ sở mới của Ban Thư ký ASEAN.</p> <p>Phó thủ tướng nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.</p> <p>Phó thủ tướng nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Pho thu tuong neu dich danh nhom tau Trung Quoc xam pham chu quyen VN hinh anh 2 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/08/01/hc_ly50_1.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc hôm 31/7.<em> </em>Ảnh:<em> Asean2019.go.th.</em></td> </tr> </tbody> </table> <h3>Diễn biến tiếp theo của cải tạo bồi đắp, quân sự hóa</h3> <p>Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.</p> <p>Trong bối cảnh đó, Phó thủ tướng đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hòa bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển; và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.</p> <p>Ghi nhận tiến triển trong xây dựng Cộng đồng, các nước nhất trí đẩy mạnh nỗ lực triển khai Tuyên bố Tầm nhìn của các Lãnh đạo ASEAN về Quan hệ đối tác vì sự bền vững; mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự <span>Liên Hợp Quốc</span> 2030 về Phát triển bền vững; đồng thời, thúc đẩy xây dựng các chiến lược, kế hoạch giúp ASEAN tham khảo, tận dụng cơ hội do CMCN 4.0 mang lại.</p> <p>Các bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) trong 2019, tăng cường hợp tác kết nối, phát triển tiểu vùng và xây dựng cách tiếp cận mới trong thu hẹp khoảng cách phát triển, cũng như nâng cao bản sắc, ý thức cộng đồng thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các tổ chức, hiệp hội nhân dân.</p> <p>Các bộ trưởng Ngoại giao nhất trí tiếp tục thực hiện các biện pháp cải tiến phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN, trong đó có tận dụng hiệu quả trụ sở mới của Ban thư ký ASEAN sẽ khai trương vào ngày 8/8 tại Jakarta, <span>Indonesia</span>. </p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Pho thu tuong neu dich danh nhom tau Trung Quoc xam pham chu quyen VN hinh anh 3 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/08/01/1000_1.jpeg.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tại hội nghị AMM-52 và các hội nghị liên quan. Ảnh: <em>AP.</em></td> </tr> </tbody> </table> <h3>Thúc đẩy đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN</h3> <p>Các bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với bên ngoài. Ghi nhận những tiến triển thời gian qua, các bộ trưởng Ngoại giao nhất trí ASEAN tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác.</p> <p>Trước mắt, ASEAN sẽ tổ chức Cấp cao kỷ niệm ASEAN - <span>Hàn Quốc</span> vào tháng 11, nhất trí với Kế hoạch hành động ASEAN - <span>Australia</span> (2020-2024) nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ, và chuẩn bị cho kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - New Zealand vào 2020.</p> <p>Các bộ trưởng nhất trí sẽ giới thiệu với các đối tác về Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), nhấn mạnh những mục tiêu, nguyên tắc của ASEAN trong hợp tác vì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng.</p> <p>Các bộ trưởng tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, xử lý hữu hiệu các thách thức đang nổi lên.</p> <p>Theo đó, ASEAN sẽ tích cực triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN 2025, ưu tiên hợp tác ứng phó với những thách thức phi truyền thống, tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh và hợp tác biển, tích cực quảng bá các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN…</p> <p>Nhân dịp này, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ký văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cho Peru đã tham gia Hiệp ước, nâng tổng số thành 38 bên tham gia Hiệp ước.</p> <p>ASEAN hoan nghênh những tiến triển tích cực trên Bán đảo <span>Triều Tiên</span>, trong đó có các Thượng đỉnh liên Triều và Thượng đỉnh <span>Mỹ</span> - Triều, coi đây là đóng góp cho mục tiêu lâu dài về một Bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân.</p> <p>*Trước khai mạc AMM 52, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã chào xã giao Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.</p> <p>Trong phát biểu dẫn đề với tư cách nước Chủ tịch kế tiếp của ASEAN, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh ASEAN đang ngày càng phát triển lớn mạnh, gắn kết chặt chẽ với vai trò trung tâm và vị thế quốc tế được củng cố, tiến trình xây dựng Cộng đồng được triển khai tích cực.</p> <p>Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định trước những chuyển động phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, ASEAN cần vững vàng, đoàn kết, tự cường, đề cao thượng tôn pháp luật để tiến bước, ứng phó hiệu quả với biến động của tình hình khu vực và quốc tế.</p> <p>Phó thủ tướng chúc mừng Thái Lan đã và đang đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2019 với tinh thần chủ đề của năm là Tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững và khẳng định sự ủng hộ tích cực của Việt Nam đối với các nỗ lực của Thái Lan theo hướng này.</p> <p>Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, là nước Chủ tịch ASEAN kế tiếp, Việt Nam sẽ tiếp tục tinh thần và động lực của năm 2019 để tăng cường thống nhất và gắn kết ASEAN, phát huy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN trong ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh, phát triển toàn cầu.</p> <h3>Nhóm tàu HD-8 hoạt động đe dọa quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển</h3> <p>* Chiều ngày 31/7, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc.</p> <p>Trong phát biểu chung thay mặt các nước ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao <span>Philippines</span> Teodoro Locsin, nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN và quan hệ ASEAN - Trung Quốc là một trong những quan hệ đối tác thực chất, hiệu quả nhất của ASEAN, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.</p> <p>Chia sẻ quan điểm này, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc thời gian qua.</p> <p>Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và là nhà đầu tư hàng đầu của ASEAN. Hai bên nhất trí tiếp tục hơn nữa các nỗ lực hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt <abbr class="rate-usd">1.000 tỷ USD</abbr> và đầu tư đạt <abbr class="rate-usd">150 tỷ USD</abbr> vào 2020; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, trong đó có phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, đổi mới sáng tạo và thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối và phát triển bền vững.</p> <p>Các bộ trưởng hoan nghênh các đề xuất thông qua các Tuyên bố của Lãnh đạo hai bên tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 22 cuối năm 2019 về Phát triển thành phố thông minh, Đẩy mạnh giao lưu truyền thông và Gắn kết kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN với Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI); nhất trí xác định năm 2020 là năm hợp tác ASEAN - Trung Quốc về kinh tế số.</p> <p>Hai bên cũng khẳng định lại cam kết sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (RCEP); ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, dựa trên luật lệ.</p> <p>Nhân dịp hội nghị, các Bộ trưởng đã chính thức khởi động Chương trình Học bổng Lãnh đạo trẻ ASEAN - Trung Quốc và nhất trí tiếp tục tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai bên.</p> <p>Hai bên cũng nhất trí thảo luận và xây dựng Kế hoạch hành động ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2021-2025 tiếp nối Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020.</p> <p>Về tình hình thế giới và khu vực, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã thẳng thắn trao đổi về những diễn biến gần đây tại khu vực trong đó có tình hình Biển Đông.</p> <p>Trong khi tích cực ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc COC, nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Pho thu tuong neu dich danh nhom tau Trung Quoc xam pham chu quyen VN hinh anh 4 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/08/01/hc_ly49.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Phó thủ tướng nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Ảnh: <em>Twitter/@rdmartinson88</em>.</td> </tr> </tbody> </table> <p>Các bộ trưởng ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC và hướng đến hoàn tất Bộ quy tắc COC hiệu quả, hiệu lực.</p> <p>Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá chung của các nước ASEAN về ý nghĩa và tầm quan trọng chiến lược của quan hệ ASEAN - Trung Quốc, khẳng định sẽ tích cực phối hợp cùng các nước ASEAN thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác giữa hai bên đi vào chiều sâu và thực chất hơn, nhất là trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và lợi ích chung như kinh tế-thương mại-đầu tư, thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối, phát triển bền vững, giao lưu nhân dân.</p> <p>Về tình hình Biển Đông, Phó thủ tướng ghi nhận những tiến triển trong đàm phán COC song cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động của Tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.</p> <p>Các hành động như vậy, theo Phó thủ tướng, đe doạ nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực.</p> <p>Phó thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất Bộ Quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.</p> <p>* Cũng trong chiều 31/7, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nga và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - New Zealand.</p> <p>Phát biểu tại các hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định coi trọng và sẽ tích cực cùng các nước ASEAN mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi giữa ASEAN với Nga và với New Zealand, nhất là hợp tác biển, kết nối và phát triển bền vững, kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, phát triển kinh tế số, thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, du lịch, giao lưu nhân dân.</p> <p>Phó thủ tướng chia sẻ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương làm xói mòn lòng tin, đe dọa hòa bình, khẳng định lại các nguyên tắc đã được nhất trí của ASEAN, kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng và đe doạ vũ lực, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, đề cao luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ DOC và sớm hoàn tất COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.</p> <p>Các nước ghi nhận quan ngại của Việt Nam, nhất trí cần đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho các nỗ lực đối thoại và xây dựng lòng tin, ủng hộ lập trường nguyên tắc và vai trò của ASEAN trong đóng góp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông.</p> <p>* Cùng ngày, bên lề AMM 52, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại gia Nga S. Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy E. Soreide, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai, Bộ trưởng Ngoại giao <span>Lào</span> Saleumxay Kommasith và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Taro Kono.</p> <p>Trong các cuộc gặp song phương, trao đổi về các vấn đề an ninh khu vực, Việt Nam và các đối tác đã chia sẻ thông tin về tình hình Biển Đông hiện nay cũng như quan điểm giải quyết các vấn đề bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.</p> </div> <p> </p>