Ở Hà Nội có hai ông Thìn cùng bán phở và cùng nổi tiếng là ông Thìn Bờ Hồ và ông Thìn Lò Đúc. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này đã làm cho rất nhiều người hiểu nhầm, có người cho rằng hai ông này có quan hệ “anh em họ hàng” và chỉ là một cơ sở với hai cửa hàng. Tuy nhiên, 2 "thương hiệu" phở Thìn này không liên quan đến nhau.
Gần đây, trên các phương tiện truyền thông “rầm rộ” thông tin "truyền nhân" của thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc. Theo đó, anh Đoàn Hải Trung, sinh năm 2001 được giới thiệu là Giám đốc điều hành thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc. Tuy nhiên, các thông tin cho rằng, anh Trung không phải là con cháu của ông Nguyễn Trọng Thìn - người sáng lập thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc.
Trong khi đó, năm 2005, Phở Thìn Bờ Hồ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký lại và có hiệu lực đến cuối năm 2024.
Phở Thìn Lò Đúc - Chỉ bán 1 món phở bò tái lăn
Một trong những sự khác biệt, bí quyết nhà nghề để thành công và làm nên hương vị của 2 món phở này là công thức chế biến và hương vị của 2 loại phở này. Nếu phở Thìn Bờ Hồ nổi tiếng là phở tái đập thì phở Thìn Lò Đúc là phở tái lăn.
Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, ông Nguyễn Trọng Thìn, 71 tuổi, chủ thương hiệu Phở bò 13 Lò Đúc cho biết, xuất thân là một họa sĩ điêu khắc, ông luôn tâm niệm mình làm nghệ thuật là phải luôn sáng tạo. Vậy món phở của mình có thể làm khác đi - phở tái lăn mang tên ông. Phở Thìn 13 Lò Đúc bắt đầu từ 1979, được 44 năm, trải qua cả quá trình thăng trầm, khó khăn rồi mới dần dần tạo ra được cái tên Phở Thìn 13 Lò Đúc.
Ông Thìn (Lò Đúc) nói, với món phở tái lăn, chưa có ai làm cái điều này trong làng phở thời đó. Nguyên liệu từ thịt bò - cũng như chọn vị trí ngon nhất của con bò. Phở bò tái lăn là phải có mỡ lợn, phải có nước mắm, cũng là cái chảo nhưng cái chảo cho độ sôi bao nhiêu, độ nóng thế nào để khi xào thịt lên, mùi mỡ lợn với thịt bò sẽ lan tỏa cả gian phòng. Đây là điều thực khách rất thích khi ngồi ăn tại quán.
“Nước phở màu sắc phải vàng đẹp đúng độ. Sau đó mới đến bánh phở, để tìm tòi ra được loại bánh phở vừa mềm, vừa dai, vừa giòn không dễ đâu. Thứ 3 là phải có dấm, tỏi, hay những gia vị khác, nếu không có sẽ thiếu một phần cho món phở.
Đặc biệt, tôi cũng đã mày mò ra món tương ớt riêng đặc biệt, khi quyện với bò xào tái lăn sẽ tạo cho bát phở dậy mùi thêm. Chính tương ớt này cũng tạo ra nét riêng của Phở Thìn 13 Lò Đúc”, chủ quán Phở bò Lò Đúc chia sẻ.
Với sự đúc kết về ẩm thực từ những người đi trước, cộng với sự đào tạo về nghệ thuật, ông Nguyễn Trọng Thìn đã nghĩ ra món phở bò tái lăn. |
Phở bò tái lăn 13 Lò Đúc đặc trưng nhiều hành. Với ông Nguyễn Trọng Thìn, mỗi bát phở như là một tác phẩm nghệ thuật. |
Bánh phở có độ dai, giòn, mềm đặc trưng. |
Để tạo hương vị phở bò tái lăn dậy mùi thêm, ông Thìn đã mày mò nghĩ ra loại tương ớt dành riêng cho phở của mình. |
Hầu như lúc nào quán phở Thìn tại địa điểm 13 phố Lò Đúc đều đông kín khách. |
Trải qua hơn 40 năm, Phở Thìn 13 Lò Đúc đã được ghi nhận trong nước và quốc tế. |
Ông Thìn chụp ảnh chung cùng các thực khách nước ngoài. |
Phở Thìn Bờ Hồ - Hương vị truyền thống
Anh Bùi Chí Thành, cháu đích tôn của ông Bùi Chí Thìn. Theo lời kể của anh Thành, ông Thìn sinh năm 1928, quê ở Nhổn, bán phở gánh ở Cung Thiếu Nhi là người sáng lập ra Phở Thìn 61 Đinh Tiên Hoàng (Phở Thìn Bờ Hồ_PV). Anh Thành cho biết, từ bé anh đã được lớn lên trong gia đình có truyền thống với ông nội và bố có làm phở.
Anh Thành chia sẻ: “Nước dùng phở Hà Nội chỉ dùng muối bình thường, không dùng nước mắm, không cho hồi quế mà chỉ dùng xương bò, xương lợn và chút ít gừng để giữ nguyên hương vị thịt bò. Sau khi ninh xương, hớt bọt mười mấy tiếng thì mới cho ra được nồi nước dùng. Nước dùng đạt tiêu chuẩn phải thật trong, không gợn đục. Thịt bò chỉ đơn thuần là tái, chín, nạm, gầu - những phần ngon nhất của con bò, chứ không chạy theo thị hiếu của khách hàng dùng thêm lõi, bắp”
Phở Thìn Bờ Hồ tại 61 phố Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. |
Anh Bùi Chí Thành, người cháu trai của ông Bùi Chí Thìn đã tiếp quản quán Phở Thìn Bờ Hồ. |
Phở Thìn Bờ Hồ đặc trưng bởi phần nước dùng trong ngọt vị. |
Thịt bò tái dần cho mềm mới chan nước. |
Những miếng thịt bò chín được thái to bản và rất mỏng, khi chan nước sẽ ngấm vào từng thớ thịt, giúp mềm hơn, ngọt hơn. |
Dấm ớt tỏi là những gia vị hay được thực khách dùng cùng khi ăn phở bò. |
Hữu xạ tự nhiên hương, đúc kết từ 70 năm kinh nghiệm với 3 đời làm về phở, để đến ngày hôm nay đã có được lượng khách hàng ổn định với tên gọi Phở Thìn Bờ Hồ. |
Hai du khách nước ngoài thích thú được trải nghiệm món phở đặc trưng của Hà Nội. |