Sau 48 giờ Hà Nội cách ly toàn xã hội (từ 6h ngày 24/8), đường phố vắng vẻ, thưa thớt hơn, hàng quán không thiết yếu đóng cửa.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn phát hiện, xử phạt hàng trăm triệu đồng nhiều trường hợp vi phạm quy định giãn cách. Điều này khiến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Hà Nội lo ngại và từng cảnh báo khi TP chưa thực hiện giãn cách.
Việc người dân phớt lờ các quy định có thể bị ảnh hưởng, khó ổn định được tình hình trong 2 tuần tới.
Không thể tìm hết F0 nếu mọi người cứ đổ ra đường
Nói về tình trạng bộ phận người dân viện nhiều lý do để ra đường trong thời gian giãn cách, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tât (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng đây là sự chủ quan, thiếu trách nhiệm với cộng đồng.
Theo ông Tuấn, chính quyền liên tục yêu cầu người dân ở nhà, báo đài cập nhật chi tiết sự phức tạp của dịch bệnh, người dân cần hiểu được tình thế khó khăn TP đang phải đối mặt. TP nỗ lực thực hiện mục tiêu kép và giãn cách xã hội là cách tốt nhất Hà Nội ổn định tình hình, hướng đến trạng thái bình thường mới để quay lại sản xuất, tăng trưởng.
"Một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu sự chủ quan của họ có thể phải trả giá đắt. Hôm nay họ là người chạy bộ, tập thể dục, nhưng hôm sau có thể trở thành F1, F2. Với việc liên tiếp phát hiện F0 qua sàng lọc, rõ ràng số lượng ca bệnh tản mát trong cộng đồng còn tương đối nhiều", ông Tuấn nói với Zing.
Một người bị xử phạt vì vi phạm giãn cách tại Hà Nội sáng 24/7. Ảnh: Hải Nam. |
Phó giám đốc CDC Hà Nội nhấn mạnh lực lượng chống dịch Hà Nội đang căng sức trên nhiều mặt trận, từ phong tỏa, cách ly, xét nghiệm đến điều trị các trường hợp F0. Nhưng tất cả những nỗ lực đó có thể bị ảnh hưởng nếu người dân vẫn tiếp tục ra khỏi nhà khi không cần thiết.
Bên cạnh đó, với đặc điểm của chủng Delta và Delta+ lây nhiễm mạnh, chu kỳ lây ngắn, việc người dân di chuyển, tiếp xúc là đang tạo điều kiện cho virus, mầm bệnh được lan tỏa dễ dàng hơn.
"Giãn cách xã hội là biện pháp cơ học giúp cố định vị trí F1, F0 trong cộng đồng, chờ đến khi được phát hiện, bóc tách. Nhưng nếu người dân di chuyển thì dù có tìm hết F0 hiện hữu, ca bệnh mới sẽ tiếp tục xuất hiện và vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại", ông Tuấn lo ngại.
Thành phố đã huy động lực lượng nhiều ngành như công an, dân quân, tổ Covid cộng đồng tham gia giám sát, xử lý, song, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là người dân thực sự tự giác, hiểu được vai trò của bản thân và mục tiêu cả xã hội đang hướng tới.
"Ở nhà, tuân thủ quy định tức là người dân đang tham gia chống dịch cùng thành phố", lãnh đạo CDC Hà Nội nói và cho rằng cả khi ra đường mua đồ thiết yếu, người dân cũng cần rút ngắn thời gian, mua đúng, đủ đồ dùng thì về ngay, giảm xuống mức thấp nhất có mặt tại nơi đông người như chợ, siêu thị.
Gần 700 triệu đồng xử phạt sau chưa đầy 48 giờ
Theo báo cáo của Công an Hà Nội về xử lý vi phạm giãn cách xã hội, từ 6h ngày 24/7 đến chiều 25/7, lực lượng chức năng đã xử phạt 291 trường hợp và 5 cơ sở. Tổng số tiền phạt của ngày 24/7 và 25/7 lần lượt là 170 triệu và 515 triệu đồng.
Hành vi vi phạm chủ yếu là không đeo khẩu trang nơi công cộng, ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang không đúng cách và cơ sở kinh doanh dịch vụ không tạm dừng hoạt động.
Tại buổi làm việc với Sở Chỉ huy công tác phòng chống Covid-19 TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng còn tình trạng vi phạm diễn ra nhiều nơi của tổ chức, cá nhân khi thực hiện giãn cách. Ông yêu cầu quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm và thông tin công khai để giáo dục, răn đe.
Các lực lượng tại Hà Nội xử phạt 700 triệu đồng các hành vi vi phạm chống dịch trong 2 ngày giãn cách. Ảnh: Hải Nam. |
Nhấn mạnh 15 ngày giãn cách là thời điểm vàng để khống chế dịch Covid-19, Bí thư Hà Nội yêu cầu đơn vị toàn TP duy trì nghiêm kỷ cương, kỷ luật, thực hiện đúng nguyên tắc giãn cách để từng bước khống chế dịch. Ông tin tưởng với sự vào cuộc của cả thệ thống chính trị, sự ủng hộ, chấp hành nghiêm của người dân thành phố sẽ sớm khống chế thành công đợt dịch lần này.
Sáng 26/7, đơn vị chức năng của Hà Nội đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, huy động 180 cán bộ, chiến sĩ và 15 xe chuyên dụng thực hiện phun khử khuẩn một loạt các tuyến đường trung tâm tại Hà Nội. Nhiệm vụ được thực hiện theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội tại buổi làm việc với Sở Chỉ huy công tác phòng chống Covid-19 TP trước đó.
Từ ngày 29/4 đến sáng 26/7, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 751 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, ngoài ra có hơn 200 ca mắc trong các bệnh viện tuyến Trung ương. Riêng chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đã có 482 trường hợp dương tính với virus.