<div> <p style="text-align: justify;">Kể từ sau chiến thắng của <em>Grand Prix</em> (đạo diễn John Frankenheimer) vào năm 1967, <em><span>Ford và Ferrari</span></em> trở thành bộ phim thứ hai về đề tài đua xe thể thao giành giải Oscar. Phim ra rạp năm 2019 thắng hai giải: dựng phim xuất sắc (Michael McCusker, Andrew Buckland) và biên tập âm thanh xuất sắc (Donald Sylvester).</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Một phân cảnh trong phim Ford v Ferrari. Ảnh: Business Insider" src="https://khds.1cdn.vn/2020/02/04/ford-v-ferrari-vne-1-158139784-6743-2732-1581398622.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: center;">Một phân cảnh trong phim "Ford v Ferrari" (<em>Ford và Ferrari</em>). Ảnh: <em>Business Insider</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;"><em>Ford và Ferrari</em> còn được biết đến bằng cái tên <em>Le Mans ’66 </em>ở một số quốc gia. Phim do James Mangold đạo diễn, lấy bối cảnh những năm 1960, kể về cuộc thư hùng của Ford và Ferrari trên đường đua danh tiếng Le Mans 1966.</p> <p style="text-align: justify;">Phim dựa trên câu chuyện có thật về nỗ lực của Ford với mục tiêu duy nhất: đánh bại Ferrari. Ford khi đó có mọi thứ, tiềm lực tài chính, mạng lưới phân phối, doanh số, lợi nhuận và là một ông lớn của ngành ôtô. Nhưng ở mảng xe thể thao, Ford chưa hề có một mẫu xe thể thao thực thụ, tiếng tăm trên đường đua càng không.</p> <p style="text-align: justify;">Dẫn dắt Ford khi đó là Henry Ford II, cháu nội nhà sáng lập Henry Ford. Ông muốn thành lập mội đội đua để gầy dựng tiếng vang và cách nhanh nhất là mua lại Ferrari, thương hiệu Italy với người đứng đầu Enzo Ferrari. Một phái viên của Ford đến đại bản doanh của Ferrari ở Modena, Italy để đưa ra lời đề nghị 10 triệu USD (tương đương 83 triệu USD theo giá trị hiện nay). </p> <p style="text-align: justify;">Ferrari, hãng hầu như bán xe để có tiền đua xe, từ chối Ford. Một thông điệp sau đó được gửi đến Henry Ford II với nội dung: Có những thứ không thể mua được bằng tiền. Mối thâm thù từ đó bắt đầu và thôi thúc ông chủ Ford lên kế hoạch đánh bại Ferrari. Trong phim <em>Ford và Ferrari</em>, Henry Ford II nghe thuộc cấp chuyển lời từ Enzo Ferrari, rằng: "Ông ta nói Ford làm ra những chiếc xe xấu xí từ những nhà máy xấu xí. Và ông ấy gọi ngài là đồ béo".</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Henry Ford II (trái) cùng người vợ thứ hai, và Enzo Ferrari (phải) những năm 1960. Ảnh: Dave Friedman, Pinterest" src="https://khds.1cdn.vn/2020/01/27/ford-v-ferrari-3671-1581407906.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: center;">Henry Ford II (trái) cùng người vợ thứ hai, và Enzo Ferrari (phải) những năm 1960. Ảnh: <em>Dave Friedman, Pinterest</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Henry Ford II ra lệnh bằng mọi giá phải làm Ferrari bẽ mặt ở Le Mans 1966. Chiếc Ford GT40 Mark II được các kỹ sư của hãng nghiên cứu sản xuất. Tất cả tinh hoa công nghệ trong vật liệu chế tạo, động cơ, phanh và khí động học được Ford dồn hết cho chiếc xe mang sứ mệnh lật đổ Ferrari. </p> <p style="text-align: justify;">Dưới sự dẫn dắt của Carroll Shelby, trưởng bộ phận đua xe thể thao được Ford mời về, chiếc GT40 Mark II trình làng. Đội đua Shelby American đánh bại Ferrari để bước lên bục cao nhất, một chiến thắng kịch tính và cũng là màn trả thù ngọt ngào của Ford dành cho niềm kiêu hãnh mang tên Ferrari. Trong phim <em>Ford và Ferrari</em>, Ken Miles (Christian Bale thủ vai), tay lái tài năng, lập dị người Mỹ ngồi sau vô-lăng chiếc GT 40 Mark II và đánh bại đội đua Ferrari tại giải Le Mans 1966. </p> </div>