Phim truyền hình Việt mùa giãn cách: Vẫn nan giải về kịch bản?

Những năm gần đây, phim truyền hình Việt nhận về “cơn mưa” lời khen từ người xem khi liên tục ra mắt những bộ phim chất lượng, nội dung cuốn hút, gần gũi đời sống thường ngày. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, phim truyền hình Việt đã làm nên những kỷ lục bất ngờ. Tuy nhiên, xét về nội dung kịch bản, phim truyền Việt đã thực sự “chất” so với kỳ vọng của khán giả?

Xu hướng trong mùa dịch

Nhắc tới những bộ phim tạo nên “cơn sốt” trên màn ảnh nhỏ khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát, chắc chắn không thể bỏ qua những cái tên đang “làm mưa làm gió” cộng đồng mạng như “Hướng dương ngược nắng”, “Mùa hoa tìm lại”, “Cây táo nở hoa” hay “Hương vị tình thân”,... Những bộ phim này đều đã và đang thu hút sự theo dõi của đông đảo khán giả. Đặc biệt, khi mạng xã hội lên ngôi thì khán giả còn có thể biết được độ “hot” của bộ phim qua các bình luận trên fanpage. Điều này vừa là áp lực nhưng cũng vừa là động lực cho các đoàn phim.

Nếu “Về nhà đi con” (2019) làm nên cột mốc đáng nhớ cho truyền hình Việt nhờ nội dung và dàn diễn viên chất lượng, thì nay “Hương vị tình thân” lần đầu làm nên lịch sử cho phim truyền hình Việt Nam. Tối 2.8, video giới thiệu phim “Hương vị tình thân” nhanh chóng cán mốc 2 triệu lượt xem trên YouTube trong vòng chưa đầy 24 tiếng, lọt Top Trending (thịnh hành).

Lý giải về sức hấp dẫn của bộ phim “Hương vị tình thân”, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cho rằng, mặc dù kịch bản ngoại nhưng thông điệp chính của bộ phim hoàn toàn phù hợp với bối cảnh xã hội Việt Nam, đó là đề cao giá trị của tình thân và gia đình. Tuy nhiên, sự thành công của “Hương vị tình thân” không chỉ nhờ vào kịch bản tốt mà phải kể đến sự diễn xuất của các diễn viên Việt.

Những phim khác như “Cây táo nở hoa” của đạo diễn Võ Thạch Thảo khi đưa lên YouTube cũng tạo nên hiệu ứng tương tự với hàng triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt bình luận. Tình tiết trong phim đã trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội của rất nhiều khán giả. Có thể thấy, “Cây táo nở hoa” đã nối tiếp thành tích trước đó của “Gạo nếp gạo tẻ” với cùng một đạo diễn, đơn vị sản xuất.

“Cây táo nở hoa” đã cho thấy sức hút “đáng kinh ngạc” khi liên tiếp lập kỷ lục, ghi danh phim truyền hình có lượng người xem cùng thời điểm trên YouTube cao nhất mọi thời đại, đạt hơn 230.000 lượt xem cùng lúc (CCU) ở tập 38.

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền nhận định, trong các giai đoạn bùng dịch như hiện nay, phim truyền hình là món ăn tinh thần không thể thiếu.

Kịch bản còn hạn chế

Không thể phủ nhận trong thời gian dịch bệnh, phim truyền hình đã gặt hái được nhiều thành công và ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế, phim Việt còn yếu về khâu biên kịch và chưa đa dạng về đề tài. Điều này có thể thấy rõ ở chủ đề của những bộ phim đình đám gần đây hầu hết đều là những nội dung xoay quanh các mối quan hệ gia đình, các vấn đề trong hôn nhân, tình yêu nam nữ... Đây vốn là những chủ đề dễ khai thác, dễ thu hút khán giả và nằm ở mức an toàn trong thu hồi vốn. Nhưng nếu các nhà làm phim cứ tiếp tục quẩn quanh khai thác thì sẽ khó tránh khỏi sự nhàm chán, đơn điệu.

Lấy ví dụ như phim “Cây táo nở hoa”, bộ phim kéo dài 70 tập, thế nhưng không có nhiều thay đổi trong mỗi tập mới, các tình tiết chỉ lặp đi lặp lại với những vấn đề được đặt ra từ đầu phim: Ngọc yêu thương các em sai cách, Châu và Báu liên tục mâu thuẫn, Báu tham ăn lười làm, không ngừng gây rắc rối cho cả nhà. Tình trạng này khiến phim truyền hình Việt dễ rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Phần đầu hấp dẫn bao nhiêu, phần sau đuối sức, khiến khán giả ức chế bấy nhiêu.

Nhìn sang các quốc gia khác, công nghiệp phim ảnh Trung Quốc vẫn chứng tỏ sự khuynh đảo, dẫn dắt xu thế khi chinh phục khán giả cả khu vực châu Á ở đủ thể loại từ kiếm hiệp, ngôn tình, cổ trang, lịch sử cho đến gần đây là thể loại đam mỹ. Những “Trần tình lệnh”, “Sơn hà lệnh”, “Hạo y hành”... mở ra thời kỳ cởi mở hơn về cộng đồng LBT trên màn ảnh Hoa ngữ.

Theo laodong.vn
back to top