Phía sau “miếng bánh” nước sạch Hà Nội

(khoahocdoisong.vn) - Hà Nội sẽ phải cung cấp cho Cơ quan Công an "Hồ sơ, tài liệu về việc quy hoạch, điều chỉnh Quy hoạch cấp nước trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 đến nay".

Chưa bàn tới yêu cầu của cơ quan Công an, thực tế là ngày 8/10/2019, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo xây dựng lộ trình đóng các giếng khai thác nước ngầm (để sản xuất nước sạch - PV) trên địa bàn thành phố. Thông tin bổ sung, đây cũng chính là ngày xảy ra sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải.

Trước khi đưa yêu cầu xây dựng lộ trình đóng cửa các trạm nước ngầm, UBND TP Hà Nội đã đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn cấp nước.

Trong khi đó, theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt, nhiều nhà máy nước ngầm vẫn được duy trì hoạt động.

Nước ngầm vẫn nằm trong quy hoạch

Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050 Hà Nội sẽ xây dựng 3 nhà máy nước mặt gồm: Nhà máy nước mặt Sông Đà, Nhà máy nước mặt Sông Hồng và Nhà máy nước mặt Sông Đuống, tổng công suất đến năm 2020 là 1.140.000m3/ngày đêm, đến 2030 là 2.125.000m3/ngày đêm, tầm nhìn đến năm 2050 là 2.750.000m3/ngày đêm.

Trong khi đó, Hà Nội cũng được quy hoạch có 21 nhà máy nước ngầm, tổng công suất các nhà máy nước ngầm đến năm 2020 là 623.500m3/ngày đêm, đến năm 2030 là 613.000m3/ngày đêm, tầm nhìn năm 2050 là 578.000m3/ngày đêm. Nhìn chung công suất các nhà máy nước ngầm tăng, giảm không đáng kể và có số ít các nhà máy sẽ bị đóng cửa.

Cụ thể, theo quy hoạch khu vực trung tâm (8 quận nội thành cũ) có 11 nhà máy nước ngầm. Trong đó có 08 nhà máy nước ngầm được quy hoạch vẫn hoạt động bình thường với công suất tăng, giảm không đáng kể, như: Nhà máy nước Yên Phụ hiện trạng công suất năm 2012 là 90.406m3/ngày đêm thì quy hoạch đến năm 2020, 2030 tầm nhìn 2050 vẫn duy trì công suất 90.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước Cáo Đỉnh công suất năm 2012 là 58.456m3/ngày đêm quy hoạch đến 2020, 2030, tầm nhìn 2050 nâng lên thành 60.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước Ngọc Hà công suất năm 2012 là 32.817m3/ngày đêm, quy hoạch đến năm 2020, 2030, tầm nhìn 2050 là 30.000m3/ngày đêm;... Chỉ có 03 nhà máy nước ngầm với công suất thấp là: Nhà máy nước Pháp Vân, Nhà máy Tương Mai, Nhà máy Hạ Đình sẽ đóng cửa.

Khu vực Vành đai 3 - 4, phía Nam Sông Hồng có Nhà máy nước Hà Đông cơ sở 1 và Nhà máy nước Hà Đông cơ sở 2. Cả 02 nhà máy này quy hoạch đều giữ nguyên công suất lần lượt là 16.000m3/ngày đêm và 20.000m3/ngày đêm đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Khu vực phía Sơn Tây quy hoạch công suất các nhà máy nước ngầm đều được nâng lên. Trong đó, Nhà máy nước Sơn Tây 1 theo quy hoạch công suất được nâng lên từ 8.000m3/ngày đêm lên 10.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước Sơn Tây 2 công suất được nâng lên từ 10.000m3/ngày đêm đến 20.000m3/ngày đêm.

Tương tự Khu vực phía Bắc Hà Nội: Nhà máy nước Bắc Thăng Long công suất từ 35.286m3/ngày đêm lên 50.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước Đông Anh công suất từ 6.385m3/ngày đêm lên 12.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước Nguyên Khuê quy hoạch đến năm 2020, 2030 tầm nhìn 2050 là 10.000m3/ngày đêm.

Khu vực phía Đông Hà Nội: Nhà máy nước Gia Lâm quy hoạch công suất nâng từ 42.784m3/ngày đêm lên 60.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước Yên Viên quy hoạch công suất nâng từ 10.000m3/ngày đêm lên 20.000m3/ngày đêm; Riêng nhà máy nước Sân bay Gia Lâm hiện trạng năm 2012 quy hoạch công suất 9.585m3/ngày đêm quy hoạch đến 2030, tầm nhìn 2050 là đóng cửa.

Như vậy có thể thấy, theo quy hoạch chỉ có số ít nguồn nước ngầm có chất lượng xấu sẽ giảm dần công suất khai thác cũng như ngừng hoạt động thay thế bằng nguồn nước mặt lấy từ Nhà máy nước mặt Sông Đà và từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Còn lại các nhà máy nước ngầm đang được các doanh nghiệp nước sạch của thành phố quản lý vẫn được duy trì hoạt động bình thường, thậm chí nhiều nhà máy công suất theo quy hoạch còn được nâng lên.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã được đầu tư xây dựng.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã được đầu tư xây dựng.

Trên đường “đóng cửa” nước ngầm

Trước năm 2016 nguồn nước sạch cung cấp cho người dân, đặc biệt là khu vực đô thị trên địa bàn TP Hà Nội chủ yếu là bằng nguồn nước ngầm. Trong số tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung là 897.000m3/ngày đêm, thì có tới 697.000m3/ngày đêm từ nguồn nước ngầm, còn lại 200.000m3/ngày đêm từ nguồn nước mặt Sông Đà.

Trên cơ sở tờ trình của UBND TP Hà Nội và báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng, vào tháng 12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những mục tiêu điều chỉnh quy hoạch được đặt ra là khai thác hợp lý các nguồn nước ngầm và nước mặt; ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, từng bước giảm dần khai thác nguồn nước ngầm.

Thực tế, sau giai đoạn này, UBND TP Hà Nội đã tích cực kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn, phát triển mạng lưới đường ống cấp nước và được nhiều nhà đầu tư tham gia.

Thậm chí, tháng 9/2019 Thường trực HĐND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành sớm hoàn thành việc xây dựng kế hoạch, lộ trình và cơ chế hỗ trợ nhằm đẩy nhanh việc đóng các giếng khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố; Tháng 10/2019  UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo Sở TNMT chủ trì sớm hoàn thành nhiệm vụ này, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về tình trạng ô nhiễm nước ngầm. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 có 100% người dân Thủ đô được dùng nước sạch đúng tiêu chuẩn.

Tính đến ngày 31/7/2019 Hà Nội đã có 04 dự án phát triển nước nguồn tập trung. Bao gồm: Trạm cấp nước Dương Nội với công suất 30.000m3/ngày đêm; Dự án cải tạo nâng cấp nhà máy nước mặt Bắc Thăng Long - Vân Trì 150.000m3/ngày đêm; Dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống phân kỳ 1, giai đoạn I công suất 150.000m3/ngày đêm; Dự án nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II nâng công suất từ 220.000m3/ngày đêm lên 300.000m3/ngày đêm. Kể từ đó tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung cho TP Hà Nội đạt 1.370.000m3/ngày đêm.

Đó là chưa kể đến việc dự án nhà máy nước sông Đà giai đoạn II còn dự kiến nâng công suất lên 600.000m3/ngày đêm. Riêng Nhà máy nước mặt sông Đuống ngày 5/9/2019 đã khánh thành phân kỳ 2 của giai đoạn I nâng tổng công suất lên 300.000m3/ngày đêm, thậm chí mở cơ hội tiếp tục nâng công suất nhà máy lên 900.000m3/ngày đêm vào năm 2022.

Dù Hà Nội đang trên con đường “đóng giếng ngầm” nhưng nên nhớ các doanh nghiệp nước sạch của UBND TP Hà Nội hiện chủ yếu đều khai thác nước ngầm để bán cho người dân. Việc đóng cửa giếng ngầm sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp này, thậm chí còn biến các doanh nghiệp nước sạch này thành “nhà buôn” nước.

Theo tài liệu KH&ĐS thu thập được, từ tháng 01/2019 dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đã bổ sung nguồn cấp cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông với công suất bình quân 120.000m3/ngày đêm. Chính việc bổ sung nguồn nước mặt sông Đuống vào hệ thống nước các đơn vị trên sẽ làm giảm dần sản lượng khai thác nước ngầm theo quy hoạch.

Theo Đời sống
back to top