Vào ngày 27/9 (giờ Hà Nội), tàu Soyuz MS-23 của Nga chở 3 phi hành gia: Frank Rubio (47 tuổi, áo trắng giữa ảnh), Sergey Prokopyev (48 tuổi) và Dmitry Petelin (40 tuổi) hạ cánh an toàn xuống thảo nguyên Kazakhstan. Theo đó, nhiệm vụ kéo dài 371 ngày trên trạm ISS của họ kết thúc tốt đẹp.
Ba phi hành gia trở về Trái Đất chậm hơn 6 tháng so với kế hoạch. Nguyên do là bởi tàu Soyuz MS-22 bị rò rỉ chất làm mát và không đủ an toàn để đưa họ về Trái Đất. Vậy nên, sau đó, Nga đã phóng tàu giải cứu, Soyuz MS-23 và chuyến trở về bị trì hoãn để duy trì lịch luân chuyển phi hành đoàn.
Sau khi trở về Trái Đất, 3 phi hành gia trên sẽ bay tới thành phố Karaganda, Kazakhstan. Sau đó, phi hành gia Prokopyev và Petelin trở lại Star City, ngoại ô Moscow trong khi phi hành gia Rubio sẽ được máy bay của NASA đưa tới Houston và Trung tâm Vũ trụ Johnson thuộc NASA.
Chuyến trở về lần này đã giúp ông Rubio (trong ảnh) lập kỷ lục mới cho nhiệm vụ dài nhất mà một phi hành gia Mỹ từng thực hiện. Ngày 11/9, ông đã vượt qua con số 355 ngày - kỷ lục cũ mà phi hành gia NASA Mark Vande Hei xác lập vào năm 2022.
Hai phi hành gia Prokopyev và Petelin (trong ảnh) lập kỷ lục là người Nga thứ 6 và thứ 7 sống ngoài không gian ít nhất 1 năm.
Trước đó, các phi hành gia thời Liên Xô gồm: Sergey Avdeev, Musa Manarov, Vladimir Titov và Valery Polyakov (trong ảnh) đã sống hơn 365 ngày và 18 giờ liên tục trên trạm vũ trụ Mir.
Mặc dù phi hành gia Polyakov (trong ảnh) đã qua đời năm 2022 nhưng ông hiện vẫn nắm giữ kỷ lục thế giới về nhiệm vụ không gian dài nhất với 437 ngày. Nhiệm vụ kéo dài 371 ngày của ba phi hành gia: Prokopyev, Petelin và Rubio là nhiệm vụ dài thứ 3 trong lịch sử nhân loại.
Thêm nữa, nhiệm vụ Soyuz MS-22/MS-23 là lần thứ hai phi hành gia Prokopyev (trong ảnh) bay vào vũ trụ. Tính đến nay, ông có tổng cộng 568 ngày sống trong vũ trụ, xếp thứ 12 trên thế giới.
Đối với 2 phi hành gia Petelin và Rubio, nhiệm vụ Soyuz MS-22/MS-23 là chuyến bay vũ trụ đầu tiên. Trong sứ mệnh vũ trụ này, phi hành gia NASA và 2 phi hành gia người Nga đã bay quanh Trái Đất 5.936 lần, đi được 253.330.550 km.