<div> <p>Vụ việc học sinh lớp 1, trường Tiểu học Quang Trung (Hải Phòng) đến sớm đứng ngoài cổng trường vì sợ cô phê bình nhận được sự quan tâm của dư luận.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Phe binh hoc sinh den lop som - dung de tre bi ton thuong tam ly hinh anh 1 phebinh1.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/05/23/znews-photo-zadn-vn_phebinh1.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Giáo viên chủ nhiệm phê bình học sinh đến sớm. Ảnh: <em>PHCC.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <h3>Ảnh hưởng tâm lý học sinh</h3> <p>Thương trẻ lớp 1 phải đứng dưới cái nắng nóng đỉnh điểm, tài khoản <em>Hà Văn</em> viết: "Những ngày qua, các tỉnh phía Bắc nắng nóng đỉnh điểm, đến mức người lớn còn không chịu nổi, tại sao nỡ để đứa bé đứng ngoài cổng trường?".</p> <p>Độc giả Hoài Thương cho rằng nhà trường nên sắp xếp phòng trống như y tế, bảo vệ để các con ngồi nghỉ ngơi, không ảnh hưởng giờ nghỉ của các bạn. Các con đi - về giữa cái nắng đã rất vất vả.</p> <p>Bạn Quân Nguyễn nêu quan điểm quy định đặt ra phục vụ cho việc rèn luyện kỷ luật cho các con từ nhỏ. Tuy nhiên, khi quy định không còn phù hợp, có nhiều lỗi trong quá trình thực thi, người lớn cần thay đổi.</p> <p>"Sự việc sẽ được xử lý rất đơn giản khi trẻ có phòng riêng hoặc góc cây râm mát khi đến lớp sớm. Việc chụp ảnh phê bình trẻ khi các em không có lỗi là phản giáo dục", người này viết.</p> <p>Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM), khẳng định cách hành xử chưa đúng của người lớn sẽ làm tổn thương tâm lý học sinh.</p> <p>"Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi. Ai sai đến đâu thì sửa đến đó, không nên đánh đồng trong sự việc này", hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du nói.</p> <p><span>Ông cho rằng trẻ đứng dưới trời nắng là một phần, phần khác là bao nhiêu rủi ro, bất an tồn tại ngoài cổng. Bảo vệ hoàn toàn có thể cho em vào trường, ngồi dưới bóng mát để chờ giờ vào lớp.</span></p> <p>Cũng theo hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, hành động phê bình những học sinh đến lớp sớm trên bục giảng của cô giáo đã ảnh hưởng tâm lý học sinh rất nhiều. Biểu hiện rõ nhất là hôm sau đứa trẻ đã không dám vào trường vì sợ cô phê bình. Trong khi đó, đi học sớm là hành động cần khuyến khích.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Phe binh hoc sinh den lop som - dung de tre bi ton thuong tam ly hinh anh 2 cogiao2.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/05/23/znews-photo-zadn-vn_cogiao2.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung báo cáo sự việc. Ảnh: <em>Cổng thông tin thành phố Hải Phòng.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <h3>Nên xem xét hỗ trợ học sinh khó khăn bán trú</h3> <p>Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mê Linh (quận 3, TP.HCM), nêu quan điểm mọi người cần bình tĩnh tìm hiểu thông tin từ 2 phía.</p> <p>"Theo tôi, nếu là nhà giáo, không ai thấy đứa trẻ đứng dưới trời nắng 40 độ mà nỡ để bé ở ngoài. Tôi nghĩ cần xem xét lại, ngay lúc đó, có ai biết có học sinh đứng ngoài cổng trường hay không? Nhiều khi giờ đó là nghỉ trưa, trường đóng cửa, không ai biết có trẻ đứng ngoài cổng", thầy Hùng băn khoăn.</p> <p>Thầy giáo này cũng lưu ý phụ huynh đưa con đến trường, nếu không thấy ai, thì phải tìm cách liên hệ bảo vệ hoặc giáo viên, đưa con vào trường rồi mới đi, chứ không nên bỏ con ngoài cổng.</p> <p>Theo thầy Hùng, trường hợp giáo viên, bảo vệ không biết có trẻ đứng ngoài cổng mà phụ huynh vẫn để con ở đó rồi đi, là lỗi bất cẩn của phụ huynh. Trường hợp ngược lại, trường sẽ sai hoàn toàn. Nếu không cho học sinh vào, họ phải thông báo với phụ huynh.</p> <p>"Ở trường tôi, phụ huynh đưa con đến, nhìn thấy con vào cổng, có bảo vệ hay giáo viên đón vào mới yên tâm để đi. Phụ huynh nếu lo cho con thì phải làm như vậy. Theo tôi, chúng ta nên nhìn sự việc từ 2 phía", thầy Hùng nói.</p> <p><span>Từ câu chuyện của học sinh trường Tiểu học Quang Trung, Hải Phòng, dịch giả - tác giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng trong sự việc này giáo viên chỉ làm mà không suy nghĩ. Phụ huynh cũng bất cẩn để con ngoài cổng trường.</span></p> <p>Theo ông, khởi đầu sự việc đã là biểu hiện của việc sai luật. Luật Giáo dục viết giáo dục tiểu học là bậc học giáo dục nghĩa vụ, mọi học sinh trong độ tuổi đều phải được thụ hưởng giáo dục như nhau.</p> <p>"Nghĩa là tất cả học sinh nên được đảm bảo ăn bán trú, vừa an toàn vừa đảm bảo cha mẹ tập trung cho sản xuất. Gia đình quá khó khăn nên có biện pháp hỗ trợ", TS Vương ý kiến.</p> <div> <p>Như <em>Zing</em> đã thông tin, 13h15 ngày 20/5, khi đưa con tới trường, Tiểu học Quang Trung (Hải Phòng), người mẹ dặn em Thanh, học sinh lớp 1, ngồi dưới gốc cây.</p> <p>Một lúc sau khi quay lại, người mẹ thấy con đứng ngoài cổng trường. Khi được hỏi, con nói không vào lớp vì sợ cô giáo mắng vì đến sớm.</p> <p>Sau khi vụ việc được đăng tải trên mạng xã hội, nhà trường đã phê bình cô Lê Thị Kim Lan - giáo viên chủ nhiệm của học sin trên. Cô Lan cũng xin lỗi phụ huynh, học sinh ngay trong sáng 21/5.</p> <p>Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu UBND quận rà soát, xem xét trách nhiệm của cô giáo chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường theo quy định, đề xuất hình thức xử lý, báo cáo UBND thành phố.</p> </div> </div> <p> </p>