Khi có chỉ định phẫu thuật, thai phụ và gia đình đều lo lắng: “Liệu phẫu thuật có gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi không?”.
Một cuộc phẫu thuật với người không mang thai hay mang thai đều có những rủi ro. |
Một cuộc phẫu thuật với người không mang thai hay mang thai đều có những rủi ro có thể xảy ra như chảy máu nhiều, máu tụ phải mổ lại, nhiễm trùng vết mổ. Đối với phẫu thuật tiến hành trong ổ bụng có thể gây tổn thương các cơ quan như ruột, bàng quang, niệu quản, các mạch máu lớn.
Dị ứng thuốc gây mê - gây tê, sốc phản vệ do thuốc mê là những tai biến rất hiếm gặp (khoảng 1/10.000 trường hợp) nhưng khá nghiêm trọng.
Với phụ nữ mang thai, ngoài những rủi ro có thể xảy ra cho mẹ, cuộc phẫu thuật còn có thể ảnh hưởng đến cả thai nhi. Những phẫu thuật thực hiện trong ổ bụng người phụ nữ mang thai sẽ khó khăn hơn so với người không mang thai do tử cung lớn, choán chỗ trong ổ bụng, gây khó quan sát và khó thao tác. Mạch máu vùng chậu ở người mang thai tăng sinh nhiều nên dễ chảy máu.
Những rủi ro cho thai nhi do phẫu thuật, đặc biệt phẫu thuật vùng bụng, là sẩy thai, sinh non hoặc nặng nề hơn nữa là thai chết.
Để an toàn cho người bệnh, giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra, cần chú ý những vấn đề sau: Trước khi mổ cần đánh giá đầy đủ về chức năng gan, thận, yếu tố đông máu, tim, phổi của mẹ và tình trạng sức khỏe thai nhi; phẫu thuật viên là những người có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng phẫu thuật tốt.
Chỉ định phẫu thuật trên phụ nữ mang thai chỉ được thực hiện khi thật cần thiết. |
Đặc biệt, chỉ thực hiện những cuộc phẫu thuật khi thật cần thiết. Bác sĩ nên đánh giá bệnh lý xảy ra cần phẫu thuật cấp cứu ngay, hay có thể trì hoãn đến 3 tháng giữa thai kỳ hoặc chờ đến giai đoạn sau sinh.
Những bệnh lý cần phẫu thuật cấp cứu ngay, bất kể giai đoạn nào của thai kỳ như viêm ruột thừa cấp, viêm túi mật cấp, tắc ruột, thoát vị nghẹt, u buồng trứng xoắn, chấn thương sau tai nạn… Viêm ruột thừa cấp nếu không mổ kịp thời có thể vỡ mủ gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết và đe dọa đến sự sống còn của người mẹ và bé.
Những bệnh lý cần phẫu thuật sớm nhưng không quá khẩn cấp (như u bì buồng trứng) nên được thực hiện trong 3 tháng giữa thai kỳ để giảm thiểu nguy cơ sẩy thai và sinh non.
Những bệnh lý không cần giải quyết cấp cứu như phẫu thuật thẩm mỹ, bướu mỡ… nên trì hoãn đến giai đoạn sau sinh.
Sau khi phẫu thuật, thai phụ nên nghỉ ngơi trong những ngày đầu, theo dõi cơn gò tử cung, thai máy, tình trạng ra huyết, ra nước âm đạo; sử dụng thuốc dưỡng thai sau phẫu thuật. Đừng quên khám thai định kỳ sau đó và ghi nhận vào hồ sơ khám thai về cuộc phẫu thuật này.
TS.BS Lê Thị Thu Hà (nguyên Trưởng khoa Sản N1, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM)