Phẫu thuật thành công khối sarcoma sụn ác tính hiếm gặp cho bệnh nhân 40 tuổi

U sụn là khối u xương phổ biến thứ 2 và chiếm khoảng 25% trong tổng số các trường hợp u xương ác tính. Bệnh nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ mang lại hy vọng sống cho bệnh nhân.

Mổ 2 lần u vẫn tái phát được đề nghị cắt cụt chi

Các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Bãi Cháy vừa phẫu thuật thành công lấy toàn bộ khối sarcoma sụn ác tính hiếm gặp, giúp bệnh nhân thoát nguy cơ cắt cụt chi, cải thiện vận động và chất lượng cuộc sống.

Theo đó, bệnh nhân Đỗ Thị H. (40 tuổi, Hạ Long, Quảng Ninh) phát hiện khối u vùng đùi phải từ tháng 1/2023. Bệnh nhân từng khám ở các bệnh viện lớn tuyến trung ương, Kết quả mô bệnh học và hóa mô miễn dịch tại Bệnh viện Quân đội 108 xác định sarcoma sụn (ung thư sụn) trung mô, độ ác tính cao. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt u 2 lần.

Sau một thời gian điều trị hóa chất, xạ trị, tháng 7/2023 chị xin ngừng điều trị, về nhà điều trị thuốc nam. Gần đây khối u vùng đùi phải của chị H phát triển to lên, gây cảm giác đau, nóng đỏ vùng khối u, đi lại khó khăn, vận động co duỗi chân hạn chế. Bệnh nhân đã được nhiều bác sĩ tư vấn giải pháp cắt cụt chi, tuy nhiên chị đã từ chối.

Chị quyết định đến thăm khám tại Bệnh viện Bãi Cháy với hi vọng sẽ được phẫu thuật và bảo tồn chi thể. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) tại Bệnh viện Bãi Cháy xác định trong cơ vùng đùi phải có khối kích thước lớn 12,5x9,7cm, xâm lấn thần kinh hông to đoạn 1/3 dưới đùi phải. Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa ung bướu và chấn thương chỉnh hình, quyết định phẫu thuật lấy bỏ khối sarcoma.

Ca phẫu thuật do Bác sĩ CKII Vũ Quang Nghĩa, Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện có độ phức tạp, độ khó kỹ thuật cao nhằm mục tiêu lấy triệt để toàn bộ khối sarcoma, bảo toàn mạch máu thần kinh xung quanh và chi thể của bệnh nhân. Ca phẫu thuật thành công, hiện tại sau phẫu thuật ngày thứ 7 bệnh nhân hết đau chân, bệnh nhân hồi phục sức khỏe, tự có duỗi chân tốt, có thể tự đi lại được.

Đánh giá về ca phẫu thuật, bác sĩ CKII Vũ Quang Nghĩa, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Trường hợp của bệnh nhân Hằng có khối u sarcome lớn, ác tính, có xâm lấn thần kinh, cơ toàn bộ mặt sau đùi. Nếu bệnh nhân không phẫu thuật loại bỏ khối u thì ảnh hưởng rất lớn đến chức năng vận động của chân. Thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân không co duỗi được gối, hạn chế vận động, đau nhiều.

Đặc biệt theo thời gian, khối ung thư có thể phát triển lớn, di căn xa, phá hủy xương và xâm lấn tổ chức xung quanh của đùi như cơ, mạch máu…

Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) tại Bệnh viện Bãi Cháy xác định trong cơ vùng đùi phải có khối kích thước lớn 12,5x9,7cm

Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) tại Bệnh viện Bãi Cháy xác định trong cơ vùng đùi phải có khối kích thước lớn 12,5x9,7cm

Bệnh nhân bị biến dạng chi, đau đớn, hạn chế vận động, nguy cơ liệt, loại bỏ chi, thậm chí tử vong khi các tế bào ung thư di căn. Đối với một bệnh nhân trẻ tuổi, tương lai còn dài phía trước thì việc phẫu thuật loại bỏ u, bảo tồn chi thể là giải pháp cấp thiết để điều trị, cải thiện chất lượng vận động và cuộc sống của bệnh nhân.

Phẫu thuật loại bỏ ung thư sụn là kỹ thuật cao và nhiều thách thức. Vì vậy, phẫu thuật viên phải đánh giá kỹ tình trạng người bệnh trước phẫu thuật, phải xác định chính xác vị trí khối u, khéo léo bóc tách toàn bộ u và phần xâm lấn vào thần kinh, mạch máu, bảo toàn mạch máu, thần kinh xung quanh để phục hồi chức năng vận động sau phẫu thuật thuận lợi”.

Bác sĩ CKII Vũ Quang Nghĩa – Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

Bệnh nhân bảo tồn được chi phục hồi sau phẫu thuật - ảnh BVCC

Bệnh nhân bảo tồn được chi phục hồi sau phẫu thuật - ảnh BVCC

Phát triển âm thầm, không thể phòng tránh

Ung thư sụn là một loại ung thư nguyên phát, gây biến đổi các tế bào ra sụn, đặc tính phát triển và di căn chậm. Sarcoma sụn thường phát triển ở xương hông, vai, xương chậu, xu hướng ảnh hưởng đến bộ xương trục thay vì xương tứ chi.

Ung thư sụn thường bắt đầu ở bên trong xương, tuy nhiên đôi khi các khối u có thể gây ảnh hưởng đến các mô ở gần xương, một số trường hợp hiếm gặp khối u có thể gây ảnh hưởng đến hộp sọ. Đây là khối u xương phổ biến thứ 2 và chiếm khoảng 25% trong tổng số các trường hợp u xương ác tính.

Ung thư sụn nếu được phát hiện sớm và chưa di căn, tỉ lệ sống sót sau 5 năm là 75,2%. Với loại thông thường, tỉ lệ sống sót sau 5 năm lên tới 90% do tế bào ung thư lây lan chậm. Chỉ có khoảng 1-6% ung thư sụn thông thường lan khắp cơ thể....

Ung thư xương, đặc biệt là sarcome sụn ác tính là căn bệnh ung thư âm thầm, không phòng tránh được. Do đó để phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời, bệnh nhân cần thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.

Đặc biệt khi có các dấu hiệu xương hoặc khối sụn phát triển bất thường, dấu hiệu đau khi vận động, sờ thấy khối bất thường nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được thăm khám, chẩn đoán sớm, tránh nguy cơ khối u, ung thư tiến triển, xâm lấn vào các bộ phận quan trọng, hạn chế cơ hội phẫu thuật điều trị.

Theo Đời sống
back to top