Người bệnh là nam 42 tuổi, nhân viên y tế từng bị tai nạn giao thông đã phẫu thuật ghép xương sọ tự thân. Sau hơn một năm bị tiêu xương sọ. Hộp sọ bị biến dạng, mất thẩm mỹ, ảnh hưởng tâm lý người bệnh. Do vậy, các bác sĩ đã phẫu thuật tạo hình bằng lưới titan 3D.
BS nội trú Hoàng Văn Đức, Khoa Ngoại thần kinh, BVĐK tỉnh Phú Thọ, cho biết, sau những tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sau các phẫu thuật điều trị bệnh lý não hay những di chứng của vết thương chiến tranh nhiều người bệnh sống sót nhưng có các ổ khuyết xương sọ, nhu mô não bên trong chỉ được bảo vệ bằng một lớp da và tổ chức phần mềm mỏng ở bên ngoài hoặc mắc các bệnh lý xương sọ như u xương sọ.
Sự thiếu hổng hộp so gây ra “Hội chứng khuyết sọ” bao gồm các triệu chứng: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn khi thay đổi tư thế hoặc thay đổi thời tiết, khi trời quá nóng hoặc quá lạnh, gây tâm lý lo sợ khi lao động, sinh hoạt vì luôn phải tìm cách tránh va chạm với những vật cứng, làm cho người bệnh ngại tiếp xúc với mọi người vì lý do thẩm mỹ.
Với các ổ khuyết sọ lớn, cấu trúc não bộ bên dưới có thể bị biến đổi, qua đó ảnh hưởng tới chức năng của não. Hơn nữa, việc luôn mang theo mình ổ khuyết sọ, khiến cho người bệnh mặc cảm và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Ghép sọ nhân tạo được chỉ định trong những trường hợp như sau:
– Ghép thì đầu, thực hiện sau khi cắt u xương sọ hoặc u di căn xương sọ, người bệnh bị khuyết xương sọ bẩm sinh, chấn thương sọ não kín dẫn đến lún sọ.
– Ghép thì hai, thực hiện sau khi người bệnh bị chấn thương sọ não xuất hiện vết thương hở gây nát sọ hoặc vỡ sọ, viêm rò mảnh xương tự thân được ghép trước đó, tiêu mảnh xương tự thân…
Những vật liệu nhân tạo thường được sử dụng để tạo hình xương sọ như lưới titan vá sọ, xi măng nhân tạo, carbon… Đặc biệt hơn, những trường hợp khuyết xương sọ như xương hốc mũi, xương trán… thì cần có những miếng ghép nhân tạo có kích thước phù hợp, tạo hình khéo léo để vừa khít với vị trí bị khuyết nên công nghệ in 3D đã được phát minh và áp dụng vào việc sản xuất những miếng ghép xương sọ nhân tạo, giúp đảm bảo được độ thành công của phẫu thuật cũng như nhu cầu thẩm mỹ của người bệnh.
Để có được miếng ghép xương sọ nhân tạo in 3D thì người bệnh cần được chụp cắt lớp vi tính sọ não để có được hình ảnh 3D của vùng khuyết xương sọ, sau đó những thông tin này sẽ được sử dụng trong giai đoạn tạo hình và sản xuất mảnh ghép xương sọ nhân tạo có kích thước và hình dáng phù hợp với phần khuyết của bệnh nhân.
Theo BS Đức, tạo hình xương sọ trên những người bệnh khuyết xương sọ bẩm sinh hoặc sau phẫu thuật sọ não là một phương pháp điều trị hiện đại và cần nhiều kiến thức chuyên sâu cũng như kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này. Bên cạnh xương tự thân thì sự ra đời của những mảnh ghép xương sọ nhân tạo cũng góp phần to lớn đến khả năng thành công của phẫu thuật tạo hình xương sọ, giúp được nhiều người bệnh khuyết xương sọ trong việc giải quyết những vấn đề về sức khỏe và mang lại giá trị thẩm mỹ cao cho người bệnh.